Khoa học

Biến máu thành thuốc sống trong điều trị ung thư

Nguồn ảnh nghiên cứu

Toàn thân ông Ken Sheforgan đã sưng tấy vì căn bệnh ung thư hạch bạch huyết sau khi đã trải qua hàng loạt biện pháp điều trị nhưng cả đều thất bại. Các bác sĩ muốn đánh cược một lần cuối cùng: Họ rút khỏi cơ thể Sheforgan một lượng tế bào miễn dịch, dùng kỹ thuật gen chỉnh sửa chúng, rồi truyền trở lại qua mạch máu.

Một tháng sau, tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, Shefveland nhìn lại cơ thể mình trong gương. Ông cảm thấy “căn bệnh đã tan đi đâu mất”. Xét nghiệm không còn tìm thấy dấu hiệu ung thư trong cơ thể người đàn ông đến từ Washington ấy.

Shefveland cười hết cỡ, trao cho vị bác sĩ của mình một cái ôm nhanh: “Hôm nay tôi biết mình đã thuyên giảm hoàn toàn. Làm sao diễn tả cái cảm giác tuyệt vời ấy được?”

 Ken Sheforgan đang cảm ơn vị bác sĩ đã điều trị cho mình, Tiến sĩ David Maloney tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutch

Ken Sheforgan đang cảm ơn vị bác sĩ đã điều trị cho mình, Tiến sĩ David Maloney tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutch

Theo trang Statnews, liệu pháp miễn dịch đang là xu hướng mới nhất trong cuộc chiến của con người với ung thư. Nếu vậy thì phương pháp mà Shefveland đã sử dụng đang ở chính tiền tuyến của cuộc chiến. Các bác sĩ đã tạo ra được “những phân tử thuốc sống”. Chúng phát triển bên trong chính cơ thể Shefvelan, tạo thành một đội quân truy lùng và tiêu diệt tế bào ung thư.

Phương pháp vẫn còn trong quá trình thử nghiệm. Điều đó có nghĩa là nó chứa đựng những rủi ro. Nhưng nếu các nhà khoa học có thể khiến các tế bào miễn dịch an toàn và làm việc hiệu quả hơn, nó chắc chắn sẽ trở thành một con đường điều trị ung thư hoàn toàn mới.

“Hệ thống miễn dịch mang một sức mạnh không thể tin được”, Tiến sĩ David Maloney hiện đang là giám đốc y tế tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutch cho biết. Bản thân ông cũng là một chuyên gia về liệu pháp miễn dịch, người đã trực tiếp điều trị cho Shefveland bằng phương pháp được gọi là CAR-T.

Tế bào T giống như những người lính trong hệ miễn dịch. Chúng làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi mầm bệnh và những phần tử ngoại lai. Thế nhưng, ung thư lại là bệnh phát triển từ chính những tế bào trong cơ thể. Tế bào T không phát hiện ra đó là một mối hiểm họa.

Ngay cả khi các nhà khoa học có thể dạy cho hệ miễn dịch nhận diện tấn công các tế bào ung thư. Vẫn còn một thách thức: Cuộc tấn công có thể vượt ra ngoài khuôn khổ, và tế bào miễn dịch hung hăng sẽ tiêu diệt cả những tế bào khỏe mạnh. Tìm ra cách để dừng phản ứng ấy lại cũng là điều tối quan trọng.

 Peter Bjazevich, một bệnh nhân đang nhận điều trị CAR-T tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson

Peter Bjazevich, một bệnh nhân đang nhận điều trị CAR-T tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson

Điều trị CAR-T sẽ bắt đầu bằng một thủ thuật giống như hiến máu. Claude Bannick là một bệnh nhân ung thư bạch cầu, được điều trị tại Trung tâm Fred Hutch vào năm 2014. Buổi trị liệu đầu tiên của ông bắt đầu bằng việc nối mình vào một cỗ máy lọc máu.

Tế bào bạch cầu của Bannick được tách ra và bơm vào một bịch nhựa. Các kỹ thuật viên mang chiếc túi, trong đó đã chứa những tế bào T, tới một phòng vô trùng. Họ mặc những bộ đồ kín mít, đội mũ trùm, đi ủng và đeo khẩu trang để làm việc với các tế bào ở trong đó.

Mục tiêu của CAR-T, đó là phải gắn thêm vào tế bào T một thụ thể nhân tạo, thứ có khả năng tìm ra kháng nguyên của tế bào ung thư. Đối với bệnh ung thư máu của Bannick, đó là kháng nguyên CD19.

Có nhiều cách để làm được điều này, nhưng thông thường, các nhà khoa học sẽ sử dụng một virus hiền lành để đưa một đoạn mã di truyền tới tế bào T. Sau đó, mã di truyền sẽ hướng dẫn tế bào cách để phát triển những thụ thế kháng nguyên nhân tạo (chimeric antigen receptor –CAR).

Thụ thể CAR sẽ đi tìm và gắn nó vào các tế bào ung thư mục tiêu. Tế bào T nhờ vậy có thể tấn công được căn bệnh.

Hàng triệu bản sao của các tế bào CAR-T được nuôi trong môi trường ươm. Các kỹ thuật viên sau đó sẽ đưa tất cả trở lại bệnh viện, nơi những bệnh nhân đang chờ đợi “đội quân” của mình. Các tế bào này được truyền trở lại cơ thể họ.

Nếu liệu pháp có hiệu lực, các tế bào sẽ tiếp tục nhân lên nhiều hơn nữa trong cơ thể. Còn nếu không, các bác sĩ đành thu lại một phần mẫu máu của họ, gửi trở lại trung tâm nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân tại sao nó không hoạt động. Số phận của bệnh nhân sau đó là điều mà chúng ta không muốn nhắc đến.

Bannick có tổng cộng 14 ngày chờ đợi và lo lắng. May mắn đã mỉm cười, các tế bào của Bannick đã được lập trình lại. CAR-T tỏ ra có hiệu quả với ông.

Ở tuổi 67, Bannick nói mình đã từng chết chắc. Hóa trị, các loại thuốc mới trong quá trình nghiên cứu và thậm chí cả phương pháp cấy tủy đã thất bại với bệnh ung thư máu của ông. “Tôi sẵn sàng thử mọi thứ”, ông nói và đã chiến thắng trong lần thử cuối cùng của mình.

 Mô tả quá trình điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch CAR-T

Mô tả quá trình điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch CAR-T

Những kết quả thử nghiệm

Trong các nghiên cứu quy mô nhỏ ở Mỹ, CAR-T đang cho một hiệu quả điều trị trong khoảng 60-90%. Các bệnh nhân ung thư máu, bạch cầu và hạch bạch huyết thường sử dụng CAR-T như một biện pháp cuối cùng. Cứ 10 bệnh nhân thì có 6-9 người thuyên giảm nhanh thậm chí đến nỗi không thể phát hiện tế bào ung thư trong cơ thể.

Vừa tuần trước, các nhà khoa học Trung Quốc công bố một kết quả thử nghiệm ấn tượng. 33 trong số 35 bệnh nhân ung thư đa u tủy đã đạt tới mức độ thuyên giảm bệnh chỉ trong hai tháng điều trị.

Thế nhưng hiện tại, số bệnh nhân tham gia vào các nghiên cứu CAR-T còn khá ít. Phương pháp này còn rất mới, khiến chúng ta không thể nói chắc được hiệu quả của nó sẽ kéo dài bao lâu.

Một báo cáo gần đây nói rằng tới một nửa số bệnh nhân có thể tái phát trở lại. Nhưng không phải không có những điểm sáng. Một số bệnh nhân sống rất lâu sau điều trị. Doug Olson, đã được điều trị CAR-T năm 2010 tại Đại học Pennsylvania. Đến nay, ông vẫn sống khỏe mạnh ở tuổi 70.

Ở thời điểm 7 năm trước, các nhà nghiên cứu gọi Olson lại và nói: Chúng tôi biết phương pháp này hiệu quả với chuột nhưng không thể biết chuyện gì có thể xảy đến với ông.

“Bây giờ là 7 năm sau, tôi có thể nói với anh rằng nó hiệu quả”, Olson khẳng định.

Tác dụng phụ đáng sợ

Shefveland phải nhập viện ngay khi đợt điều trị kết thúc. Huyết áp của ông tụt mạnh, yêu cầu phải theo dõi y tế. Thế nhưng, Shefveland lại coi đó là một tín hiệu tốt. “Tác dụng phụ cho thấy rằng phương pháp điều trị đang làm việc”.

Khi các tế bào CAR-T tiêu diệt ung thư, phản ứng miễn dịch có thể gây sốt cao, giảm huyết áp và trong một số trường hợp nặng hơn sẽ tổn thương nội tạng. Một số bệnh nhân cũng nói rằng họ gặp phải ảo giác, lú lẫn hoặc các triệu chứng thần kinh khác.

Điều trị sẽ tự nó cân bằng lại các triệu chứng mà không cần phải dập tắt cuộc tấn công. Những nhà khoa học có kinh nghiệm với liệu pháp miễn dịch đều biết, họ nên mong chờ các tác dụng phụ, học hỏi từ chúng thay vì sợ hãi và lo lắng.

Nếu mục tiêu là các khối u rắn, sẽ khó khăn hơn

 CAR-T hiện chỉ tỏ ra hiệu quả cao với các dạng ung thư máu. Ung thư có các khối u rắn sẽ là một thách thức với phương pháp này

CAR-T hiện chỉ tỏ ra hiệu quả cao với các dạng ung thư máu. Ung thư có các khối u rắn sẽ là một thách thức với phương pháp này

CAR-T giết chết các tế bào ung thư bạch cầu, nhưng nó cũng gây ra những thiệt hại không mong muốn. Một loại tế bào bạch cầu khỏe mạnh gọi là tế bào B chia sẻ chung các kháng nguyên với tế bào ung thư, chúng cũng bị CAR-T tiêu diệt.

Nhắm mục tiêu của phương pháp điều trị này còn chưa chuẩn xác. Đối với trường hợp các khối u rắn, thử thách sẽ còn khó khăn hơn nữa. CAR-T có thể tiêu diệt cả một cơ quan trong cơ thể, nếu nó nhắm “trượt”.

“Bạn có thể sống mà không có các tế bào B, nhưng bạn sẽ không thể nếu mất đi cả lá phổi”, tiến sĩ Stanley Riddell, giám đốc khoa học các liệu pháp miễn dịch tại Trung tâm, Fred Hutch giải thích.

Các nghiên cứu sử dụng CAR-T tấn công khối u rắn đang được bắt đầu. Riddell chỉ vào một loạt những tấm ảnh chụp hiển vi trong phòng thí nghiệm của ông, cho thấy CAR-T bò trên mình khối u ung thư vú, tiêm vào đó các chất độc cho đến khi tế bào khối u co lại và chết.

Sử dụng thụ thế kháng nguyên nhân tạo CAR cũng không phải cách tiếp cận duy nhất. Nhiều nghiên cứu đang cố gắng nhắm vào các mục tiêu khác để nhận biết được khối u, thậm chí, đó là những đột biến gen riêng biệt của chúng, thứ mà mọi tế bào khỏe mạnh không hề có.

Thật trớ trêu, bởi những đột biến đã gây ra ung thư cũng có thể là gót chân Achilles của chúng. Một số nghiên cứu cũng đang thử nghiệm kết hợp CAR-T với các thế hệ liệu pháp miễn dịch cũ hơn trước đây từng được phát triển.

Bệnh nhân phổ thông có thể nhận điều trị CAR-T?

Hiện tại, điều trị bằng liệu pháp miễn dịch CAR-T chỉ được thực hiện trong các trung tâm nghiên cứu ung thư lớn, dưới dạng thử nghiệm khoa học. Thế nhưng, cuối năm nay, có thể một vài liệu pháp CAR-T sẽ được đưa ra thị trường, nhắm đến đối tượng là bệnh nhân ung thư máu.

Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ(FDA) đang thực hiện đánh giá một biên bản điều trị CAR-T phát triển bởi Đại học Pennsylvania, với bản quyền thuộc công ty công nghệ Novartis, cùng một phiên bản khác phát triển bởi Viện Ung thư Quốc gia và bản quyền thuộc công ty Kite Pharma.

Nếu các phiên bản CAR-T này được FDA chấp thuận, bệnh nhân ung thư máu dạng bạch cầu và hạch bạch huyết sẽ sớm được tiếp cận với chúng. Tế bào T của họ có thể được thu thập rồi vận chuyển đến các cơ sở kỹ thuật gen của công ty. Ở đó, chúng được tinh chỉnh lại rồi gửi về cho bệnh nhân.

Dần dần, nhiều bệnh viện có thể cung cấp dịch vụ chữa trị theo liệu pháp miễn dịch này.

Nghiên cứu CAR-T vẫn đang là một xu hướng mạnh trong điều trị ung thư

Nghiên cứu CAR-T vẫn đang là một xu hướng mạnh trong điều trị ung thư

Nhưng sẽ vãn chỉ có một số lượng nhỏ bệnh nhân ung thư máu ở dạng nhất định được tiếp cận với CAR-T. Đối với các bệnh nhân khác, họ sẽ tiếp tục phải theo dõi các nghiên cứu, trông chờ các cơ hội nếu họ muốn tham gia vào đó như một “người thí nghiệm”.

Một báo cáo của ngành công nghiệp dược phẩm liệt kê tới 21 liệu pháp CAR-T đang được phát triển. “Đó là hi vọng của mọi bệnh nhân ung thư”, Shefveland nói. Nếu các bệnh nhân kiên cường chờ đợi, một ngày nào đó, phương pháp điều trị dành cho căn bệnh của họ sẽ xuất hiện.

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Skip to toolbar