Ngọn lửa thiêu một trong những thư viện lớn nhất tại Nga vào tháng 1 năm 2015, đã làm hơn 1 triệu tài liệu lịch sử quý giá biến thành tro tàn và người ta đã gọi đó là “thảm họa Chernobyl văn hóa”. Nhiều người ước những tài liệu ấy được làm bằng một loại vật liệu giấy chống cháy thì sự việc đáng tiếc ấy đã không xảy ra.
Hơn 1 năm sau, các nhà khoa học của Viện Gốm Thượng Hải trực thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã tạo ra được một loại vật liệu thậm chí còn tốt hơn thế: một loại giấy vừa chống cháy lại vừa không thấm nước.
Theo tờ ChinaDaily, ông Zhu Yingjie, một nhà nghiên cứu thuộc dự án này, cùng với các đồng nghiệp đã sử dụng một loại vật liệu mới để sản xuất giấy, loại vật liệu mang tên Hydroxyapatit, viết tắt là HA. Trong cơ thể người và động vật, HA là thành phần chính trong xương (chiếm đến 65 – 70 % khối lượng) và răng (chiếm 99%).
Thứ vật liệu kia đã khiến cho tờ giấy có cả hai tính chất chống lửa và chống nước. Chưa hết, nó còn khiến cho giấy có khả năng ưa dầu, biến nó thành một thứ vật liệu tuyệt vời để tách dầu khỏi nước, rất có tiềm năng trong việc xử lý những vấn đề môi trường nhức nhối như tràn dầu trên biển hay làm sạch sông ngòi, đại dương.
“Theo phương pháp truyền thống, giấy được làm từ sợi thực vật, chúng rất dễ bị phân hủy trong nước. Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng việc tạo ra được những tờ giấy chống được cả nước và cả lửa là rất khó”, ông Zhu nói.
Nghiên cứu này cũng đã được xét duyệt bởi một tạp chí nổi tiếng thuộc Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ.
Hồi năm 2013, khi một sinh viên của ông Zhu đã sử dụng những sợi nano hydroxyapatite nhằm tách nước ra trong một thí nghiệm hóa học, họ đã phát hiện ra rằng khi rải bột hydroxyapatite lên giấy lọc nước, một lớp màng mỏng đã hình thành trên mảnh giấy ấy.
Phát hiện bất ngờ này đã làm giáo sư Zhu ngạc nhiên và tò mò, ông đã tiến hành thử nghiệm rất nhiều để cải thiện hiệu quả của vật liệu hydroxyapatite. “Công việc sản xuất giấy thủ công truyền thống phá hủy môi trường nói chung và cây cối nói riêng. Những sợ nano hydroxyapatite sẽ là một cách thức làm giấy lý tưởng cho tương lai”, ông Zhu nói.