Lời khuyến nghị của ông Murdoch được đưa ra trong bối cảnh Giám đốc điều hành Facebook Inc Mark Zuckerberg cho biết vào cuối tuần trước, công ty của tỷ phú trẻ này sẽ từng bước có hành động chống lại những thông tin sai lệch và “chủ nghĩa giật gân” trên nền tảng mạng xã hội có hơn 1 tỷ người dùng. Facebook cho biết, họ sẽ sử dụng các cuộc khảo sát thành viên để xác định các nguồn tin “đáng tin cậy”, từ đó “thanh lọc” các nguồn tin rác.
Chất lượng tin tức trên Facebook đã bị đặt nghi vấn sau khi có cáo buộc các điệp viên Nga và kẻ phát tán tin rác đã cố tình tạo dựng và dùng tiền mua quảng cáo để lan truyền các báo cáo sai lệch trên trang mạng xã hội này, bao gồm cả những tin tức trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Sau 14 năm ra đời, Facebook đã phát triển với tốc độ chóng mặt và trở thành mạng xã hội thu hút hàng tỷ người trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng chỉ dành thời gian để đăng tải ảnh và tán dóc. Họ dễ dàng bị thôi miên bởi những thông tin sai lệch, hay còn gọi là tin rác, tin giả. Đây cũng là lúc các nhà sản xuất tin tức thế giới cho rằng, giá trị của những nguồn tin đáng tin cậy cần phải được nâng cao. Và Facebook cần phải chia sẻ lợi nhuận thu được nhờ việc đăng tải, dẫn truyền lại các tin tức này.
Facebook và Google hiện chưa phản hồi ngay về khuyến nghị của ông Murdoch nhưng gần đây, hai ông trùm internet này đã gặp phải nhiều rắc rối yêu cầu trả tiền bản quyền nguồn tin từ các cơ quan truyền thông châu Âu.
Khi Facebook là một trang tin
Theo nhà báo kỳ cựu Mỹ Jon Rappoport, cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, Facebook đứng đầu danh sách số người truy cập, trong đó có tới 64% người Mỹ sử dụng.
Đáng chú ý, 30% số người dùng Facebook chỉ đọc tin tức từ các nguồn chia sẻ trên mạng xã hội này. Một con số ấn tượng nữa là có đến 1,25 tỷ người trên khắp thế giới sử dụng Facebook chỉ đọc tin trên điện thoại di động.
Mới đây, chương trình mới Instant Articles của Facebook còn giúp người dùng xem nội dung chia sẻ trên Facebook nhanh hơn nhiều so với đường link truyền thống. Điều này chứng tỏ, ngoài nền tảng kỹ thuật, Facebook đã chính thức chú tâm vào khai thác ngành báo chí trong khi không cần bỏ ra bất cứ khoản đầu tư nào cho đội ngũ phóng viên hay tòa soạn như mô hình các báo đài vốn đang gặp nhiều khó khăn khi các mạng xã hội ra đời.
Cách đây khoảng 1 tháng, có tới 9 cơ quan báo chí của châu Âu trong đó có hãng tin AFP của Pháp, DPA của Đức đã đồng ý ký vào một bản khiếu nại, yêu cầu những gã khổng lồ internet như Facebook và Google phải trả tiền bản quyền cho việc sử dụng những nội dung tin tức mà họ thu được lợi nhuận lớn từ đó.
Lời kêu gọi này được đăng trên tờ Le Monde của Pháp: “Facebook đã trở thành phương tiện truyền thông lớn nhất thế giới, kể cả khi Facebook lẫn Google đều không có tòa soạn riêng. Họ cũng không có các nhà báo mạo hiểm tác nghiệp ở Syria hay văn phòng đại diện tại Zimbabwe điều tra về sự ra đi của Mugabe. Họ cũng không có đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp để xác minh tin tức do các phóng viên thu thập được. Việc tiếp cận các tin tức miễn phí là thành công to lớn của internet. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn lợi nhuận khủng cho các ông lớn internet trong khi chẳng cần phải bỏ ra khoản chi phí nào”.
Facebook không chỉ kiếm được lợi nhuận từ các dịch vụ mà còn nhờ vào những bài báo, tin tức trích dẫn đã thu hút một lượng lớn người dùng thường xuyên truy cập. Cụ thể, năm 2016, Facebook đã thu về 27,64 tỷ USD. Tăng trưởng nóng của Facebook vẫn tiếp tục tăng với khoản thu 9,32 tỷ USD tính chỉ riêng quý II/2017, tăng trưởng doanh thu 44,7% hàng năm.
Các cơ quan truyền thông cho rằng, thực chất những gã khổng lồ internet này kiếm được lợi nhuận to lớn đều nhờ vào “thành quả công việc của người khác” và chiếm đến 60-70% doanh thu quảng cáo. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu từ quảng cáo của các hãng truyền thông.