Khoa học

Trong 500 thí nghiệm trên bản thân, 8 người chết, 13 người đoạt giải Nobel

Nguồnảnh mạng
Hình ảnh những nhà khoa học tự lấy thân thể mình làm vật thí nghiệm luôn làm người taliên tưởng ngay đến những bộ phim khoa học viễn tưởng. Chẳng hạn, tiến sĩ Curt Connors, một trong những kẻ thù của Người Nhện, bị biến thành một con thằn lằn khổng lồ khi đang cố gắng tự tái sinh cánh tay của mình. Trong cùng loạt phim, Dr Octopus cũng tự gắn những xúc tua bạch tuộc vào mình để có được năng lực nghiên cứu phóng xạ.

Mặc dù vậy, theo trang ScienceMag, ngoài đời thật cũng không phải không có những nhà khoa học tự làm những thử nghiệm trên chính bản thân mình. Mọi người thường nghĩ đó là một sự mạo hiểm. Đúng, có những nhà khoa học đã phải hi sinh mạng sống. Nhưng cũng có khi, phần thưởng cuối cùng với họ lại là một Giải Nobel danh giá.

Từ năm 1800, đã có những nhân viên y tế tự ăn xúc xích hư hỏng để xác định nguồn gốc của ngộ độc thực phẩm. Một bác sĩ vào năm 1929 đã tự mình đặt ống thông tim vào trong lồng ngực, lần đầu chứng minh hiệu quả của phương pháp điều trị này trước thế giới. Năm 1984, một bác sĩ trẻ tự uống nước chứa vi khuẩn Helicobacter pylori để chứng minh nó gây viêm loét.

Hai người đàn ông dũng cảm sau này đã đều nhận được giải Nobel Y học (Forssmann năm 1956 và Barry Marshall năm 2005), nhưng cũng có những nhà khoa học không may mắn. Trong cuộc chiến Tây Ban Nha – Hoa Kỳ năm 1898, một dịch sốt vàng da đã giết chết hàng ngàn lính Mỹ. Bác sĩ Jesse Lazear đã qua đời sau khi ông tự nguyện cho những con muỗi đốt trên thân thể mình.

Năm 2012, một nghiên cứu đã thống kê ít nhất 465 trường hợp các nhà khoa học tự thí nghiệm trên bản thân mình từ năm 1800. Tiến sĩ Allen B. Weisse, tác giả nghiên cứu này cho biết đỉnh điểm của xu hướng tự thí nghiệm trên bản thân là khoảng nửa đầu thế kỷ XX.

Thống kê của ông cho thấy có 89% trường hợp, các nhà khoa học sẽ thành công. Từ năm 1900 đến nay, 13 nhà khoa học thậm chí đã nhận được Giải Nobel cho công trình của họ. Có 8 nhà khoa học đã tử vong trong khi tự lấy bản thân mình làm thí nghiệm.

Dĩ nhiên, mọi nhà khoa học biết sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ không đoán trước khi tham gia vào thử nghiệm của chính mình. Nhưng công việc ấy đến nay vẫn chưa dừng lại. Tự làm thí nghiệm trên chính bản thân mình vẫn là “mốt” của các nhà khoa học.

 13 nhà khoa học tự thí nghiệm trên bản thân và giành giải Nobel

13 nhà khoa học tự thí nghiệm trên bản thân và giành giải Nobel

Tự thu thập mẫu vật trên bản thân, từ máu cho tới chất thải cơ thể

Đối với các nhà khoa học, một số trường hợp thử nghiệm không đem lại rủi ro quá lớn. Khi đó, thật khó để cưỡng lại việc thực hiện chúng trên chính bản thân mình. Lý do hợp lý nhất là: điều đó quá thuận tiện.

Laura Stark, một nhà nghiên cứu lịch sử đạo đức sinh học giải thích: “Sẽ thật dễ dàng để tự lấy máu của bạn và phân tích nó. Bạn không phải lo lắng về một ai đó sẽ kiện hoặc nói rằng bạn không thể sử dụng mẫu máu của họ”.

Đó chính là những gì mà Lawrence David, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts, và giáo sư giám sát của anh Eric Alm đã làm trong suốt quá trình tự lấy bản thân làm thí nghiệm một vài năm trước.

Trong đề tài của mình, David muốn tìm hiểu cách mà những hoạt động thường ngày ảnh hưởng lên các vi khuẩn trong miệng và đường ruột. Quá trình quan sát và lấy mẫu thường xuyên diễn ra trong vòng suốt 1 năm. Nó đòi hỏi dữ liệu thử nghiệm thực tế giúp anh xác định được các giới hạn về tính khả thi của nghiên cứu, ví dụ như tần suất thu thập mẫu và các biến số xác định được.

Khó khăn đến với David khi chẳng ứng viên nào muốn tham gia vào các thử nghiệm. Cuối cùng, anh và Alm đã quyết định thực hiện các đo đạc trên chính bản thân mình. “Chúng tôi nghĩ rằng bằng cách trực tiếp tham gia vào thí nghiệm, chúng tôi sẽ hiểu biết được về các giới hạn đó”, David nói khi đã trở thành một phó giáo sư tại Đại học Duke sau này.

Trở lại thời gian hơn 1 năm đó, David và Alm phải tự thu thập những mẫu nước bọt của mình, đưa chúng vào một túi vô trùng. Họ sử dụng một ứng dụng trên iPad để ghi lại cân nặng, nhật ký ăn uống và làm việc.

Vài tháng kể từ thời điểm bắt đầu, David có một chuyến đi tới Bangkok trong vài tuần, nhưng vẫn không quên những thử nghiệm. Anh đã làm một điều kỳ quặc, đóng gói hơn 2kg phân của chính mình với đá khô, và gửi về phòng thí nghiêm trong nước để phân tích.

 Eric Alm, một trong hai nhà khoa học đã tự nghiên cứu bản thân mình trong 1 năm

Eric Alm, một trong hai nhà khoa học đã tự nghiên cứu bản thân mình trong 1 năm

Chui vào máy cộng hưởng từ 2 lần mỗi tuần và tự làm 3 tỷ xét nghiệm

Russell Poldrack, một nhà tâm lý học tại Đại học Stanford cũng đã từng tự lấy bản thân mình làm “vật thí nghiệm”. Nhưng mức độ những thí nghiệm của Poldrack là nặng hơn những gì một người bình thường có thể chịu đựng. Hai lần mỗi tuần, sáng thứ 3 và thứ 5, anh chui vào một chiếc máy cộng hưởng từ kêu ro ro để quét não. Thử nghiệm diễn ra liên tục trong suốt 18 tháng.

Công việc bắt đầu từ nhiều năm trước, khi Poldrack đang làm một nghiên cứu về các rối loạn tâm thần. Những thí nghiệm của anh bị đình trệ, bởi chẳng thể tìm được người nào tham gia vào nhóm đối chứng, những người chịu cho các nhà khoa học nhét vào máy cộng hưởng từ và quét não liên tục mỗi tuần.

Nhưng đến một lần làm việc tại Trung tâm nghiên cứu hình ảnh Đại học Texas, một người tới thăm nói như bông đùa với Poldrack rằng: “Anh có những máy cộng hưởng từ MRI này, tại sao không tự chui vào đó và quét chính bản thân mình?”.

Trong khi Poldrack còn đang đắn đo không biết có nên làm điều đó với bản thân mình hay không, có một nhà khoa học khác đã trở thành tấm gương cho anh noi theo.

Michael Snyder, nhà di truyền học đến từ Đại học Stanford xuất bản một nghiên cứu năm 2012, ghi lại một hồ sơ y tế chi tiết kết hợp với bộ gen của một tình nguyện viên 54 tuổi, không ai khác là chính ông.

Bộ gen của Snyder được sắp xếp và phân tích trong hơn 14 tháng. Nhóm nghiên cứu đã thực thiện cả thảy hơn 3 tỷ xét nghiệm máu, nước bọt, dịch nhày, nước tiểu và phân của ông. Trong quá trình nghiên cứu này Snyder phát hiện ra bản thân mình đang ở trong nguy cơ tiểu đường type 2.

Với thông tin và các dữ liệu kèm theo, ông đã có thể biết được đâu là điểm khởi phát bệnh tật. Nó không chỉ có ý nghĩa với bản thân Snyder mà kết quả cũng có thể được áp dụng với nhiều người khác, nó có ích cho cộng đồng khoa học.

Khi đọc công trình nghiên cứu của Snyder, Poldrack nghĩ rằng sẽ không hẳn là điên rồ nếu anh thực hiện quét não của mình với máy cộng hưởng từ mỗi tuần. Và Poldrack đã đúng. Sau 18 tháng, anh đã tạo ra được một bản đồ chi tiết nhất từ trước đến nay về những kết nối chức năng trong não bộ con người.

Bên cạnh đó, anh cũng chỉ ra những mối quan hệ giữa chắc năng kết nối đó với tình trạng trao đổi chất và biểu hiện gen. Công việc cặm cụi suốt một năm rưỡi của Poldrack có thể được ứng dụng để phát triển các loại thuốc nhắm đích chính xác, giúp điều trị các bệnh về não.

 Russell Poldrack, người chui vào một máy cộng hưởng từ 2 lần mỗi tuần trong suốt 1 năm rưỡi

Russell Poldrack, người chui vào một máy cộng hưởng từ 2 lần mỗi tuần trong suốt 1 năm rưỡi

“Lách” trách nhiệm và đạo đức khoa học

Trong một nền khoa học minh bạch và chính thống, những nghiên cứu có sự tham gia của con người đều phải đảm bảo tất cả các nguyên tắc đạo đức. Chúng thậm chí được quy định thành đạo luật.

Chẳng hạn như Quốc hội Hoa Kỳ, năm 1974, đã thông qua Đạo luật nghiên cứu quốc gia, trong đó yêu cầu những nghiên cứu có sự tham gia của người tình nguyện phải được xét duyệt bởi một ủy ban đánh giá gọi là IRB.

Tuy nhiên, theo Jonthan Moreno, một nhà đạo đức sinh học tại Đại học Pennsylvania, luật pháp Hoa Kỳ không đề cập rõ ràng đến việc tự thí nghiệm trên bản thân. Bởi vậy, nó cũng có thể là lí do, giải thích việc tại sao các nhà khoa học hay bác sĩ vẫn ưu chuộng công việc này.

Trong trường hợp của Poldrack, trước khi bắt đầu công việc tự thí nghiệm trên bản thân, anh có đệ trình một đơn lên ủy ban IRB của Đại học Texas. Tuy nhiên, các ủy viên IRB nói rằng họ không xem dự án của anh là một nghiên cứu trên đối tượng con người. Bởi vậy, chẳng cần hồ sơ nào hết và cũng chẳng cần phê duyệt.

Poldrack sau đó lập tức có thể bắt đầu công việc của mình mà không cần lo lắng về một thủ tục hay giấy tờ phức tạp nào khác. Mọi chuyện có thể không suôn sẻ như vậy nếu anh thực hiện thí nghiệm trên những người khác mà không phải bản thân mình.

Việc đưa một người vào máy cộng hưởng từ 2 lần mỗi tuần trong suốt 18 tháng không phải không có những nguy hiểm nhất định cần đánh giá.

 Thật khó để cưỡng lại việc tự thử nghiệm, nếu rủi ro là nhỏ và nó quá thuận tiện

Thật khó để cưỡng lại việc tự thử nghiệm, nếu rủi ro là nhỏ và nó quá thuận tiện

Liệu xu hướng có tiếp tục?

Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Weisse cho rằng việc các nhà khoa học tự thử nghiệm trên bản thân sẽ sớm trở thành một di sản của quá khứ. Lý do vì khi chúng ta bước vào kỷ nguyên sinh học phân tử, các nghiên cứu sẽ ngày càng một phức tạp.

Nhà khoa học chỉ có một thân thể để thử nghiệm những dự đoán của anh ta. Trong khi đó, những cuộc thử nghiệm y học bây giờ đang ngày càng tiến đến quy mô lớn hơn. Một thử nghiệm có thể cần đến hàng chục cho đến hàng trăm tình nguyện viên.

Bây giờ, sẽ là không dễ dàng để một lần nữa, một nhà khoa học nào đó tự uống vi khuẩn và có được một giải Nobel. “Tự biến mình thành vật thí nghiệm, trong phòng nghiên cứu của chính mình, bây giờ gần như là một điều kỳ quặc”, tiến sĩ Weisse nhận xét.

Mặc dù vậy, ông cũng cho biết rằng mình không bao giờ khinh miệt những đồng nghiệp của mình nếu họ vẫn làm điều kỳ quặc ấy. Quá khứ đã chứng minh một số thí nghiệm trên bản thân đã đem lại cho cộng đồng y khoa những kết quả vô giá. Bởi vậy, khi nói đến những nhà khoa học tự lấy thân mình làm vật thí nghiệm, ông vẫn sẽ ngả mũ vì sự dũng cảm của họ.

 

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Skip to toolbar