Đức là quốc gia đặt trụ sở của nhiều nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, như Volkswagen, Daimler và BMW, quan trọng hơn là tất cả đều đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tự lái. Trước tình hình đó, nước này đã soạn thảo quy định về việc lưu hành ô tô tự lái. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho tính mạng con người, chứ không phải tài sản hay động vật.
Được biết, một ủy ban bao gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, công nghệ và đạo đức, do Chính phủ Đức chỉ định đang tiến hành soạn thảo các quy tắc về cách thức lập trình để xe tự lái có thể giải quyết những vấn đề nan giải, như lựa chọn giữa việc đâm vào một người đi xe đạp hay vượt quá tốc độ để tránh một tai nạn.
Theo bộ quy tắc mới, phần mềm tự lái của xe sẽ phải được lập trình nhằm tránh thương vong cho con người bằng mọi giá, trong trường hợp không thể tránh khỏi tai nạn, phần mềm cần phải lựa chọn xem cách xử lý như thế nào để giảm thiểu khả năng gây thương tích cho con người, cho dù có phải làm hư hại tài sản hoặc lao vào các loài động vật đang di chuyển trên đường.
Ngoài ra, phần mềm này sẽ không thể đưa ra quyết định dựa trên tuổi tác, giới tính hay điều kiện thể chất của những người có liên quan.Alexander Dobrindt - Bộ trưởng Giao thông Đức đã chia sẻ rằng việc tương tác giữa con người và máy móc đang đặt ra những câu hỏi mới về đạo đức trong thời đại của số hoá và các hệ thống tự học.
Nên ủy ban Đạo đức của Bộ giao thông đã đi tiên phong trong việc đưa ra những hướng dẫn dành cho xe tự lái.Vào đầu năm nay, chính phủ Đức đã thông qua một dự luật, quy định lái xe phải luôn ngồi gần vô-lăng để sẵn sàng điều khiển các ô tô tự lái trong trường hợp xảy ra sự cố, qua đó mở đường cho việc phát triển và thử nghiệm những phương tiện tự lái này.