Theo trang Wire, hàng năm, có khoảng hai triệu người phải thực hiện phẫu thuật ghép xương. Cũng như các phẫu thuật cấy ghép khác, xương cần thiết cho hoạt động thay thế khớp, phục hồi xương bị gãy, thoái hóa xương sống và các trường hợp tai nạn.
Trong đó, các nhà khoa học đã tạo ra được xương từ các tế bào gốc. Điều thú vị, họ là những người đầu tiên làm được điều này, bằng cách sử dụng “nanokicking”, một công cụ mà các nhà vật lý dùng để nghiên cứu sóng hấp dẫn.
Nanokicking tạo ra 1.000 rung động kích thích mỗi giây, ở biên độ 20 nanomet lên tế bào gốc tủy xương. Các tế bào này có thể trở thành sụn, dây chằng, gân, chất béo và dĩ nhiên là cả xương. Khi kích thích chúng ở đúng tần số 1.000 Hz, các nhà khoa học đã tạo ra được xương, “sống” được trong một đĩa thí nghiệm.
Cụ thể, xương nhân tạo đã được giữ lơ lửng trong một chất gel, cho phép nó phát triển theo tất cả các chiều. Các tế bào cũng có thể phát triển collagen quanh mình, đó là thành phần chính của các mô liên kết dưới da trên cơ thể.
Tiến sĩ Peter Childs, đồng tác giả nghiên cứu, đến từ Đại học Glasgow cho biết: Hiện tại, khi một bệnh nhân phải ghép xương, các bác sĩ sẽ lấy xương từ chính hông của họ. Thủ thuật này rất đau đớn và bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Nghiên cứu mới đã tạo ra một giải pháp không cần sử dụng tế bào xương từ chính bệnh nhân. Các tế bào xương nhân tạo cũng có thể giúp bệnh nhân hồi phục. Đây là một bước tiến quan trọng, chứng minh định hướng phát triển xương từ tế bào gốc là hoàn toàn khả thi.
Xương nhân tạo đã được tạo ra bằng kỹ thuật nanokicking, truyền 1000 rung động cỡ nano mỗi giây trên tế bào gốc tủy.
Trên thực tế, ghép xương là một thủ thuật thường được thực hiện ở người lớn tuổi, sau khi họ phẫu thuật thay thế khớp hoặc xương hông và đầu gối.
Theo các tác giả nghiên cứu, họ có thể tiến đến thử nghiệm loại xương nhân tạo này trên người trong vòng 3-5 năm tới. Sau đó, xương nhân tạo sẽ có mặt tại các bệnh viện Anh trong vòng 1 thập kỷ.