Được thành lập bởi 1 nhóm các sinh viên đại học từ năm 2009, Kik hiện đang có 15 triệu người dùng hoạt động thường xuyên mỗi tháng và tiếp cận được 40% nhóm dân số tuổi teen ở Mỹ.
Theo số liệu từ công ty phân tích công nghệ tài chính Autonomous NEXT, kể từ đầu năm đến nay đã có tổng cộng hơn 1,8 tỷ USD được huy động thông qua các vụ ICO trên toàn thế giới. Sử dụng nền tảng blockchain, công nghệ đứng sau đồng tiền số nổi tiếng bitcoin, ICO cho phép các công ty có thể huy động được hàng triệu USD chỉ trong vài giây.
Sau vụ ICO của Kik, sẽ có 1 đồng tiền số ra đời với tên gọi là Kin. Có thể sử dụng nó trong các giao dịch thực hiện chính trong ứng dụng nhắn tin của Kik. Theo Tanner Philip, giám đốc quản lý sản phẩm của Kik, công ty hi vọng 300 triệu người dùng ứng dụng Kik có thể đem lại nhiều thuận lợi cho quá trình đưa đồng Kin vào lưu thông.
CEO Ted Livingston cho biết Kik bắt đầu phát triển đồng Kin từ năm 2014, kế thừa Kik Points, 1 đồng tiền số nhưng không theo công nghệ blockchain. Anh cho biết công ty đã nghĩ về chuyện tham gia vào thị trường tiền số kể từ năm 2011.
Trong đợt presale mới đây, Kik đã huy động được 50 triệu USD từ các quỹ đầu cơ tiền số Pantera Capital, Polychain Capital và từ quỹ đầu tư mạo hiểm Blockchain Capital. 75 triệu USD còn lại sẽ được huy động trong vụ ICO diễn ra vào tháng sau.
Chỉ có 10% tổng nguồn cung đồng Kin được bán ra trong vụ ICO này. 60% sẽ được nắm giữ bởi quỹ Kin Foudation và dần dần được tung ra thị trường thông qua cơ chế thưởng cho những người tích cực thực hiện các giao dịch bằng đồng Kin.
Vụ ICO của Kik là 1 trong số ít những sự kiện mở cửa chào đón các nhà đầu tư Mỹ. Hồi tháng 7, Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC) tuyên bố coi ICO cũng giống như hoạt động phát hành chứng khoán, đồng nghĩa các vụ ICO cũng phải được luật pháp kiểm soát chặt chẽ. Do đó nhiều vụ ICO đã đóng cửa đối với nhà đầu tư Mỹ.