Chia sẻ của một bạn trẻ về khởi nghiệp trong công nghệ thực tế ảo sau khi tham gia Innovatube Frontier Summit vừa rồi. Geektime đăng lại từ trang web của Innovatube để đọc giả biết thêm góc nhìn, cảm nhận và chia sẻ về việc phát triển công nghệ này tại Việt Nam.
Khi nhắc đến phát triển công nghệ thực tế ảo, tôi luôn nghĩ nó rất tốn kém và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Hay nói cách khác, cơ hội khởi nghiệp với thực tế ảo ở Việt Nam không nhiều, bởi sự thiếu thốn về nguồn lực tài chính cũng như con người. Tôi đọc nhiều về những ý tưởng áp dụng thực tế ảo trong bất động sản hay y tế, nhưng không nghĩ rằng ở Việt Nam đã có những doanh nghiệp thực hiện chú.
Tuy nhiên, tôi đã thay đổi suy nghĩ sau khi tham gia sự kiện Innovatube Frontier Summit (ngày 30/07/2017) và được mở rộng tầm mắt về các câu chuyện khởi nghiệp trong công nghệ tiên tiến này. Đặc biệt, câu chuyện của Holomia khiến tôi hoàn toàn tin vào khả năng phát triển thực tế ảo của startup Việt, miễn là có những suy nghĩ và lựa chọn đúng hướng. Holomia là công ty phát triển giải pháp công nghệ thực tế ảo trong lĩnh vực bất động sản và y tế hàng đầu tại Việt Nam. Tôi ghi chép lại dưới đây theo cách hiểu của mình.
Phát triển ứng dụng, không phát triển thiết bị
Để phát triển được thiết bị thực tế ảo, như headset hay kính VR, sẽ cần đầu tư nhiều về công nghệ và tài chính. Chúng ta khó cạnh tranh nổi với các ông lớn. Trong khi đó, thị trường cũng đã có nhiều thiết bị đang và tiếp tục được phát triển.
Ngược lại, các ứng dụng của thực tế ảo lại là một mảnh đất màu mỡ và dễ khai thác. Thứ nhất, có vô cùng nhiều mảng có thể áp dụng thực tế ảo để tạo ra giá trị gia tăng. Chẳng hạn như ngành bán lẻ, marketing, khoa học, quân sự, đào tạo… Hiện tại, mức độ ứng dụng thực tế ảo trong các ngành này còn thấp, vì vậy tiềm năng phát triển rất lớn.
Thứ hai, rào cản để bắt đầu phát triển ứng dụng thực tế ảo không hề lớn như ta tưởng. Để xây dựng một ứng dụng hay video thực tế ảo, bạn chỉ cần có thiết bị quan sát thực tế ảo (ví dụ Oculus, HTC Vive, Playstation VR), cài đặt nền tảng lập trình thực tế ảo (ví dụ Unity), cộng với kĩ năng lập trình hay đồ họa vốn không hề khan hiếm.
Tuy nhiên, công sức và chi phí bỏ ra để phát triển ứng dụng thực tế ảo cũng không phải là nhỏ so với các công nghệ bình thường. Vì vậy, bạn cũng cần cân nhắc khi lựa chọn ý tưởng — tập trung vào giải quyết những vấn đề thiết thực thay vì phát triển những sản phẩm hào nhoáng chỉ vì nó là thực tế ảo. Chẳng hạn, Holomia đã phát triển ứng dụng thực tế ảo để hỗ trợ kinh doanh bất động sản, là một ngành phát triển rất mạnh ở Việt Nam, hay để giảm thiểu chi phí và rủi ro của những ca phẫu thuật não rất quan trọng nhưng vô cùng phức tạp.
Phát triển cho khách hàng tổ chức, doanh nghiệp (B2B)
Một lần nữa phải khẳng định, chi phí và thời gian để phát triển ứng dụng thực tế ảo không hề nhỏ. Vì vậy, lựa chọn khách hàng là đối tượng hàng doanh nghiệp, tổ chức sẽ dễ dàng hơn về mặt tài chính, bởi họ có khả năng chi trả, thậm chí là đầu tư, lớn hơn cho một giải pháp công nghệ mới. Đối tượng khách hàng như vậy hoàn toàn có thể chi trả cho chi phí đầu tư thiết bị ban đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp, miễn là họ có một ý tưởng giá trị và thuyết phục. Cụ thể, trong trường hợp của Holomia, khách hàng sử dụng dịch vụ là các tập đoàn lớn như VINHomes, NOVA Land, HUD3, Hòa Phát. Sản phẩm thực tế ảo trong y tế của Holomia cũng được đón nhận bởi các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản và Đài Loan — thị trường tiên tiến hơn và đã sẵn sàng chi trả cho công nghệ này.
Trong khi đó, thị trường cá nhân của công nghệ thực tế ảo còn chưa phát triển, bởi chi phí cho các thiết bị thực tế ảo vẫn còn ở mức cao. Sẽ rất ít trong chúng ta sẵn sàng bỏ ra 400 đô cho một bộ headset VR chỉ để tăng cường trải nghiệm thực tế ảo trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, thực tế tăng cường là một câu chuyện khác, với khả năng tiếp cận lớn hơn nhiều so với thực tế ảo.
Dám nghĩ khác và dám làm
Điều quan trọng trong công nghệ thực tế ảo là khả năng tưởng tượng, vẽ nên những thứ mà chúng ta không thường nhìn được, làm những điều mà chúng ta không thường nghĩ tới. Thực tế, Holomia là một trong số ít doanh nghiệp phát triển thực tế ảo ở Việt Nam. Sau khi hiểu thì quả thật thực tế ảo không quá khó để phát triển, nhưng rất ít người làm. Holomia làm được bởi họ đã “nghĩ khác đi”, như anh Đinh Anh Tuấn lặp đi lặp lại trong phần chia sẻ của mình. Anh cũng nói, trong kỉ nguyên công nghệ 4.0, mọi khả năng của con người đều có thể được thực hiện bởi máy móc. Chỉ còn trí tưởng tượng và cảm xúc là thuộc về con người.
Quan trọng không kém, Holomia dám làm những điều họ tưởng tượng. Sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng những giải pháp tiên tiến này chỉ được thực hiện bởi nhóm nhân sự khiêm tốn, trong đó nhiều kĩ thuật viên vẫn còn là sinh viên.
Hy vọng là câu chuyện về Holomia sẽ giúp cho những bạn yêu thích công nghệ thực tế ảo ở Việt Nam tìm ra hướng đi và tự tin thực hiện ý tưởng của mình.