Từ thời John F. Kennedy là tổng thống Hoa Kỳ các bác sĩ nước này vẫn đang mệt mài tìm loại thuốc nào để sử dụng, để chữa trị cho các bệnh xuất phát từ nhiễm các loại vi khuẩn kháng kháng sinh đã gây ra hàng chục nghìn cái chết mỗi năm.
Theo trang Bloomberg, trong vài thập kỷ tới, con số người chết vì nguyên nhân này có thể tăng đáng kể.
Mới đây các nhà khoa học tại trường Y thuộc Đại học California-San Francisco cho biết có một lỗ hổng nghiêm trọng mà các bác sĩ đã bỏ qua trong hơn nửa thế kỷ qua: Vi khuẩn hoạt động bên trong cơ thể người khác với khi chúng ở trong phòng thí nghiệm. Điều đó có nghĩa là các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể dẫn đến những kết quả gây hiểu nhầm.
Trước đây, sự sai lệch này không phải là một vấn đề lớn vì các bác sĩ đã có kháng sinh để điều trị bệnh. Thế nhưng những loại thuốc kháng sinh – từng được đánh giá là kỳ diệu sau khi Alexander Fleming phát hiện penicillin vào năm 1928 - đang dần mất đi khả năng của mình. Việc lạm dụng kháng sinh quá mức dẫn tới hiện tượng lờn thuốc, tạo cơ hội cho các siêu khuẩn đa kháng sinh (superbug) ra đời.
Theo ước tính sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ vào năm 2013, những siêu khuẩn như vậy đã làm ảnh hưởng tới ít nhất 2 triệu người dân nước này mỗi năm và giết chết 23.000 người. Một báo cáo của chính phủ Anh vào năm 2014 cho biết đến giữa thế kỷ 21, những căn bệnh do siêu khuẩn sẽ khiến nhiều người chết hơn cả căn bệnh ung thư.
Để đấu tranh chống lại thảm họa đang ngày càng nghiêm trọng này, các nhà khoa học đang tìm kiếm phương pháp xét nghiệm tốt hơn để tìm ra những loại thuốc thật sự hiệu quả.
Henry Chambers, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học California-San Francisco nói: “Về cơ bản, công nghệ đang sử dụng đã 50 hoặc 60 tuổi. Có lẽ những tiêu chuẩn vàng không thật sự là tiêu chuẩn vàng như chúng tôi nghĩ”.
Thử nghiệm truyền thống mà các phòng thí nghiệm của bệnh viện sử dụng phụ thuộc vào chất gọi là nước Mueller-Hinton, cho phép nhiều loại vi khuẩn phát triển. Một mẫu từ bệnh nhân bị nhiễm bệnh, được làm cho có khả năng kháng các loại thuốc khác nhau, từ đó bác sĩ có thể xác định thuốc nào hoạt động tốt nhất và cần liều lượng lớn như thế nào. Quy trình này đã được Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn hóa năm 1961 để các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới có thể so sánh kết quả.
Một trở ngại lớn nhất để phát triển các phương pháp điều trị mới là đôi khi có một khoảng cách lớn giữa hiệu quả của một loại thuốc trong phòng thí nghiệm, so với khi đưa vào cơ thể người. Một số phòng thí nghiệm gần đây đã phát hiện ra cách mà vi khuẩn có thể tránh được các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Nhưng trong một nghiên cứu mới trên chuột, các nhà khoa học tại Đại học California-Santa Barbara có thể đã tìm ra một cách để làm cho bài kiểm tra chính xác hơn, và nó liên quan đến một thứ rất quen thuộc trong bếp của các gia đình.
Họ thử nghiệm độ nhạy cảm kháng sinh và bổ sung sodium bicarbonate, một chất hoá học được biết đến với tên gọi baking soda. Chất này cũng được tìm thấy trong mô người - vì vậy các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng sử dụng baking soda để kiểm tra các siêu vi khuẩn sẽ mô phỏng tốt hơn cách chúng hoạt động bên trong cơ thể người.
Michael Mahan, giáo sư tại UC Santa Barbara cho biết cần phải nghiên cứu thêm, nhưng đã có kết quả khác so với thông thường khi baking soda được thêm vào thử nghiệm tiêu chuẩn. Những thay đổi khác đối với chất được sử dụng để phát triển vi khuẩn cũng ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của các loại thuốc, cho thấy một số kháng sinh mạnh hơn những gì đã biết trước đây, và một số khác ít hơn.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những kết quả nghiên cứu ban đầu. Các chuyên gia cho biết, nghiên cứu này không chứng minh được rằng các xét nghiệm đã được cải tiến sẽ tiên đoán tốt hơn những gì vi khuẩn hoạt động trong cơ thể con người. Theo Chambers, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được những sai sót trong bài kiểm tra chuẩn và nhận thấy “vẫn còn vấn đề để cải thiện”. Nhưng ông cảnh báo, “rất khó khăn để tạo ra một liên kết” giữa các thí nghiệm trong phòng và những điều thật sự tốt với bệnh nhân.
Chambers lấy ví dụ, trong nghiên cứu của Santa Barbara, chuột được điều trị hai giờ sau khi bị nhiễm bệnh. Các bệnh nhân ở người thường bị nhiễm bệnh lâu hơn trước khi dùng kháng sinh, một yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ hiệu quả của thuốc.
Victor Nizet, một nhà nghiên cứu của Đại học California-San Diego, cho biết mặc dù có những hạn chế nhưng các nhà khoa học vẫn cần tiếp tục khám phá cách để làm các xét nghiệm chính xác hơn vì mối đe dọa của siêu vi khuẩn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Nizet chia sẻ thêm: “Chúng tôi có một số chủng gây bệnh có khả năng đề kháng với tất cả các kháng sinh. Hầu hết thời gian, các xét nghiệm tiêu chuẩn hoạt động tốt, nhưng kháng sinh lại không chữa lành bệnh nhân”.
Tất nhiên, câu hỏi cho các bác sĩ và nhà khoa học là làm thế nào để tìm ra một phương pháp đáng tin cậy đủ đơn giản để sử dụng trong phòng thí nghiệm luôn bận rộn và có thể baking soda có thể là một bước đi nhỏ theo hướng đó, nhưng người ta sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh hiệu quả của nó.
Bác sĩ Melvin Weinstein đến từ trường Y Rutgers Robert Wood Johnson: “Ý tưởng cố gắng để mô phỏng môi trường con người là một điều tốt. Nhưng làm điều này không dễ chút nào.”