Khoa học

Loài người có nguồn gốc lâu đời hơn chúng ta từng biết

Nguồn ảnh lấy lại

Các nhà nhân loại học đã vật lộn với câu hỏi về nguồn gốc xuất hiện của loài người trên hành tinh này từ suốt nhiều thập kỷ và có vẻ như họ đã tìm ra những manh mối rải rác rằng nó nằm đâu đó ở khu vực châu Phi hạ Sahara cách đây 200.000 năm.

Nhưng những bằng chứng mới được đưa ra trong hai bài nghiên cứu đăng trên nhật báo Nature đang thách thức giả thuyết này. Thay vào đó, các tác giả mô tả những hài cốt mới được phát hiện gần đây cho thấy những người Homo sapien đầu tiên đã xuất hiện sớm hơn 100.000 năm so với dự đoán trước đây ở một nơi mà nhiều chuyên gia không ngờ tới.

Bài viết mới đây đăng trên trang 9news của Úc cho biết hững hóa thạch này có thể đại diện cho những người Homo sapien xuất hiện sớm nhất trên thế giới từng được tìm thấy (nếu được xác nhận bằng các nghiên cứu sâu hơn), và chúng là bằng chứng cho thấy rằng giống loài chúng ta từng sống ở nơi xa hơn châu Phi hạ Sahara.

Những hộp sọ trong cát bụi

Năm 1961, một nhóm thợ mỏ đã đào trúng vào một bức tường đá vôi dày ở vùng đồi núi phía tây Marrakesh. Từ bề mặt cứng màu be, một đống đất màu nâu vỏ quế tràn ra. Lồi ra từ đống đất là một mảnh xương sọ người.

Khi đào sâu hơn, họ tìm thấy một hộp sọ gần như hoàn chỉnh, và các thợ mỏ đã mang hộp sọ này đến chỗ bác sỹ trực ở mỏ. Khi những lời đồn đại về phát hiện này lan rộng, các nhà nghiên cứu đã đổ xô đến khu mỏ. Họ phát hiện ra thêm nhiều di cốt hơn, trong đó có một số mảnh xương hàm và một đoạn xương cánh tay.

Tại thời điểm đó, các nhà khoa học cho rằng những hóa thạch này có tuổi đời khoảng 40.000 năm, tức là khoảng vài nghìn năm trước khi những họ hàng ở châu Âu của chúng ta, người Neanderthal, được cho là đã biến mất.

Nhưng khi đó họ đã đào chưa đủ sâu.

Khoảng 40 năm sau, nhà nhân loại học Jean Jacques Hublin và nhóm nghiên cứu của ông từ Viện Max Planck đã khai quật 6 lớp đất dưới vùng đất mà hộp sọ và xương cánh tay nói trên được phát hiện. Ở đó, nhóm nghiên cứu tìm thấy hài cốt của ít nhất 5 người, cùng một bộ đá đánh lửa có lẽ đã bị đốt cháy do để gần lửa nấu ăn.

Hublin tin rằng những mẫu vật ở Maroc ​’đại diện cho nguồn gốc của giống loài chúng ta.​’

Sử dụng một kỹ thuật xác định niên đại để đo lượng bức xạ tích tụ trong đá đánh lửa từ khi nó được nung nóng, Hublin và nhóm nghiên cứu cho biết các bộ hài cốt cổ xưa này là của những người đã sống cách đây 300.000 đến 350.000 năm.

“Khám phá niên đại đó là một bất ngờ lớn,” Hublin chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã có phát hiện lớn nhất khi họ quan sát kỹ hơn những hộp sọ.

Giống nhau đến kinh ngạc

Khi Hublin nhìn vào hốc mắt của một trong những hộp sọ, ông đã thực sự kinh ngạc.

Thay vì những đặc điểm thô kệch mà ông đã quen thấy trên gương mặt những tổ tiên cổ xưa của loài người như Homo erectus hay Homo heidelbergensis, gương mặt này trông giống hệt như người hiện đại.

Trong khi người Homo erectus có một đường xương lông mày lồi lên và nhô ra, những hộp sọ lại cho thấy đường lông mày tách đôi và mảnh hơn. Thay vì có gương mặt rộng và hộp sọ phẳng, những người này lại có gương mặt nhỏ và hộp sọ tròn hơn.

“Gương mặt của những người này thực sự là gương mặt xuất hiện trong các biến thể hiện đại,” Hublin cho biết. “Họ có hộp sọ dài hơn so với hầu hết chúng ta, nhưng tôi không chắc những người này trông sẽ khác biệt trong đám đông ngày nay.”

Hình dạng hộp sọ của những người này có hình dạng vừa giống tổ tiên cổ xưa của con người vừa giống người hiện đại, mặc dù có phần hơi giống những tổ tiên cổ xưa của chúng ta nhiều hơn.

Sự kết hợp độc đáo giữa các đặc điểm hiện đại và cổ xưa chỉ ra một điều gì đó vô cùng sâu sắc, Hublin cho biết - ông tin rằng những mẫu vật ở Maroc “đại diện cho nguồn gốc của giống loài chúng ta.”

‘Gương mặt của những người này thực sự là gương mặt xuất hiện trong các biến thể hiện đại,’ Hublin cho biết.

Nói cách khác, tất cả những hóa thạch về người Homo sapien được tìm thấy từ trước đến nay - bao gồm cả những hài cốt được tìm thấy ở bên ngoài châu Phi - có thể có liên hệ với vùng đất ngày nay là Maroc.

Điều đó cho thấy sự mâu thuẫn với logic nhân loại học phổ biến là loài người tiến hóa từ một nơi nào đó ở châu Phi hạ Sahara, nơi mà một số nhà nghiên cứu gọi là “Vườn địa đàng”, sau đó dần di cư đến những nơi khác trên thế giới. Thay vào đó, Hublin và nhóm nghiên cứu lập luận rằng người Homo sapien có thể đã sống ở mọi nơi tại châu Phi.

“Không có Vườn địa đàng ở châu Phi, hoặc giả nếu có, thì đó chính là toàn bộ châu Phi,” Hublin nói.

Theo Sonia Zakrzewski, phó giáo sư khảo cổ học của đại học Southampton, phát hiện của Hublin sẽ khuyến khích các nhà khảo cổ khác thay đổi cách suy nghĩ về nguồn gốc con người. “Phát hiện đó thực sự đã khai sáng cho thế giới về những khả năng để hiểu về sự tiến hóa của loài Homo sapien,” bà nói. “Điều chắc chắn là chúng ta phải suy nghĩ lại về những hình mẫu của mình.”

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Skip to toolbar