Hai nhà sản xuất ô tô bắt đầu hợp tác với nhau từ năm 2010. Khi đó, Toyota đã chi 50 triệu USD mua cổ phần tại Tesla, trong bối cảnh hãng xe Nhật đang cạnh tranh để ra mắt loại xe giảm ô nhiễm môi trường tại Mỹ.
Toyata cũng đã bán nhà máy tại California cho Tesla với giá 42 triệu USD. Hai công ty sau đó đã cùng hợp tác phát triển RAV4 - một mẫu xe điện tại Canada vào năm 2011 và sau đó bán được khoảng 2.500 chiếc trong vòng 3 năm.
Tháng 5/2010, khi những thỏa thuận giữa 2 công ty bắt đầu hình thành, Elon Musk - Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla, đã gọi đây là mối quan hệ hợp tác “lịch sử” và rằng, Toyota là công ty ông ngưỡng mộ từ lâu. Ông Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota cũng vô cùng khen ngợi trải nghiệm lái thử trong Tesla Roadster khoảng 1 tháng trước, .
Cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 50% trong năm qua. Toyota từng nắm giữ 1,43% cổ phần tại Tesla tính tới tháng 7/2016, theo thống kê của Bloomberg.
Ngày 3/6/2017, theo tờ Wall Street Journal, phát ngôn viên của Toyota từ chối tiết lộ số tiền mà Toyata thu được từ việc bán hết cổ phần tại Tesla. Song, theo một tiết lộ gần đây từ Toyota, vào tháng 3 năm ngoái, Toyota sở hữu 2,3 triệu cổ phiếu của Tesla, giá trị ước tính vào thời điểm đó là 480 triệu USD.
Cùng với thông tin dừng hợp tác sản xuất xe điện với Tesla, hai công ty sản xuất xe lai (hybrid) của Toyota là Corolla và Prius đã thành lập một nhóm chung với các công ty khác cùng thuộc tập đoàn để phát triển các sản phẩm xe hơi điện riêng của mình. Toyota đã thiết lập đơn vị riêng để phát triển xe điện vào tháng 11/2016 và dự kiến sẽ sớm giới thiệu các mẫu xe điện ra thị trường.
Theo trang Born2invest, Toyota từ lâu đã tập trung vào công nghệ pin nhiên liệu (fuel-cell), kết hợp hydrogen và oxygen trong một phản ứng điện hóa để tạo ra năng lượng điện giúp động cơ hoạt động. Toyota đã bán ra thị trường loại xe Mirai chạy bằng pin nhiên liệu, chỉ thải ra nước từ ống xả, không gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, do các trạm sạc hydrogen không thực sự phổ biến, nên nhà sản xuất xe hơi của Nhật gặp nhiều khó khăn trong việc phổ biến đại trà dòng sản phẩm xe hơi dùng pin nhiên liệu này.
Ngoài việc tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ pin nhiên liệu, Toyota cũng đang nuôi tham vọng kiến tạo ra một “chiếc xe của tương lai” khác - một chiếc ô tô bay. Công ty khởi nghiệp Cartivator được tập đoàn Toyota đầu tư 386.000 USD để phát triển dòng sản phẩm xe hơi bay SkyDrive.
Chiếc ô tô bay này có khả năng di chuyển theo chương trình cài đặt sẵn, đạt tốc độ 100km/giờ và có thể bay cao khoảng 10 m so với mặt đất. Nếu theo đúng kế hoạch, chiếc SkyDrive này sẽ được sử dụng để thắp sáng ngọn đuốc của Olympic 2020 tại Tokyo.
Ngày 3/6/2017, Công ty Cartivator đã tiến hành lần thử nghiệm đầu tiên với mẫu xe SkyDrive tại Nhật Bản. Sau nhiều lần khởi động thất bại, chiếc ô tô bay đã có thể bay cao được khoảng 6 feet (tương đương 1,8 m) trước khi lao xuống một một sân bóng rổ được dùng làm bãi đỗ. Không có ai bị thương và cũng không có thiết bị không người lái nào bị thiệt hại.
Ông Tsubasa Nakamura, phụ trách Dự án phát triển ô tô bay tại Cartivator, không mấy phiền lòng với những thất bại trong lần thử nghiệm đầu.
“Tôi luôn thích máy bay và ô tô. Mơ ước từ lâu của tôi là có một phương tiện cá nhân có thể vừa bay, vừa di chuyển được trên mặt đất tới khắp mọi nơi”, ông nói.
Nhóm kỹ sư tham gia dự án hiện đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển để sẵn sàng cho đợt thử nghiệm ô tô bay có người lái vào năm 2019. Phía Toyota miêu tả những tham vọng của mình về chiếc ô tô bay là “trong những giai đoạn còn rất sớm” và “chưa có quyết định gì về thương mại hóa”.
“Tại Toyota, chúng tôi đang đi trước trong nghiên cứu và phát triển các phương thức vận tải, bao gồm cả các giải pháp trên không, để có thể tiến đến một xã hội thịnh vượng trong tương lai”, đại diện Toyota tuyên bố.