Phạm Gia Vinh , chàng trai 8X cùng nhóm kỹ sư hàng không do Vinh đứng đầu chế tạo thành công phi thuyền bay vào không gian đã làm chấn động giới khoa học Việt.
Vinh không phải là cái tên xa lạ trong giới chơi máy bay mô hình ở Việt Nam. Trước đó, anh từng là chủ nhiệm CLB máy bay mô hình phía Bắc với hàng trăm mẫu được các bạn trẻ rất yêu thích.
Tốt nghiệp thạc sĩ, đạt kết quả xuất sắc tại Pháp, Phạm Gia Vinh được nhiều nơi ở Pháp và châu Âu mời về làm việc với mức lương hấp dẫn, nhưng anh đã từ chối.
Quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp ở tuổi 25, Vinh thành lập Công ty Nghiên cứu và Phát triển Đông Giang, chuyên sản xuất về máy bay không người lái, robot và các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị phù hợp điều kiện của Việt Nam.
Với có 6 kỹ sư và số vốn ít ỏi vào năm 2008, mơ ước của những người trẻ là sản xuất phi thuyền không gian, một lĩnh vực đầy mới mẻ ở Việt Nam không hề dễ dàng gì. Lý thuyết chế tạo phi thuyền không gian đã khó, việc tìm nguyên liệu ráp nối, thử nghiệm còn khó hơn nhiều.
Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2014, chiếc phi thuyền không gian đầu tiên ra đời. Tháng 3/2015, phi thuyền được thử nghiệm ở bãi thử Ấn Độ. Những con chuột bạch đã được đưa vào phi thuyền và nếu chúng sống sót trở về nghĩa là thử nghiệm thành công.
Thử nghiệm thành công có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi vì từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có thiết bị bay nào có thể đạt tới trần 30 km.
Theo tác giả của thiết bị bay nói trên, sản phẩm này có thể sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ phục vụ an ninh quốc phòng đến các mục đích dân sự, nghiên cứu khoa học.
Với tầm bay từ 30 đến 50 km, thiết bị này cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của Trái Đất. Các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão. Ưu điểm của thiết bị này có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về Trái Đất.
TS Lê Xuân Huy, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Với thành công của sản phẩm này, chúng ta có thể bay đạt độ cao 23 km và 29 km. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có những sản phẩm đạt tầm cao như vậy”.
Chiếc phi thuyền của nhóm kỹ sư Phạm Gia Vinh đã đưa Việt Nam vào danh sách rất ít nước có thể sản xuất phi thuyền ở tầm bay trên 30 km, trong đó có Mỹ, Pháp và Nhật Bản.
Phạm Gia Vinh cho biết mục tiêu trước mắt của nhóm là muốn hoàn thiện công nghệ cho thiết bị bay ở tầm bình lưu. Anh muốn là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam có thể đưa được người lên tầng bình lưu.
Thiết bị bay có chi phí rẻ hơn nhiều so với máy bay và vệ tinh nên phù hợp điều kiện kinh tế của Việt Nam. Gia Vinh cũng muốn xuất khẩu phi thuyền “made in Việt Nam” ngược trở lại châu Âu.
Dù còn nhiều khó khăn, công ty khởi nghiệp của Vinh đã trở thành công ty đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất được phi thuyền bay vào không gian.