Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ chậm lại, tham vọng chinh phục không gian của quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn chưa bao giờ suy giảm. Bên cạnh những nỗ lực không ngừng để cạnh tranh với Cơ quan vũ trụ hàng không Mỹ (NASA) trong việc phát triển tàu thám hiểm không gian tự động trên Mặt Trăng và Sao Hỏa, chính phủ Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để chạy đua với công ty thám hiểm không gian Blue Origin của Jeff Bezos và SpaceX của Elon Musk.
Trung Quốc đã đặt ra tham vọng trở thành một siêu cường về công nghệ không gian vào đầu những năm 2030 và chính phủ đang cân nhắc những chính sách chi tiêu để thúc đẩy các công ty công nghệ của Trung Quốc tạo ra những đột phá trong phát triển rô bốt, tàu không gian, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và những công nghệ khác của thế kỷ 21. Điều này đang đặt ra áp lực đáng kể đối với NASA và những công ty không gian vũ trụ ở Mỹ và Châu Âu.
Mặc dù con số chính xác về ngân sách chính phủ Trung Quốc dành cho chương trình không gian vẫn là một ẩn số, nhiều nhà phân tích ước rằng trong những năm gần đây, khoảng 3 tỷ USD được chi tiêu cho chương trình không gian mỗi năm, rất khiêm tốn so với khoản đầu tư 19,3 tỷ USD mà Mỹ phân bổ cho NASA trong năm 2016.
Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Chương trình không gian của Trung Quốc được bắt đầu từ những năm 1950. Đến năm 2003, Trung Quốc vẫn chưa bao giờ đưa một phi hành gia nào lên quỹ đạo. Tuy nhiên, kể từ đó, chương trình không gian của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng hướng đến thế cân bằng với các siêu cường khác như Nga và Mỹ. Trong năm 2016, Trung Quốc lần đầu tiên phóng nhiều tên lửa hơn Nga, tương đương 22 tên lửa do Mỹ đã phóng lên.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Trung Quốc đã nổi lên gần đây như OneSpace, ExPace và Landspace.
Trung Quốc cũng được cho rằng đang thúc đẩy chi tiêu vào các chương trình khoa học không gian khuyến khích các công ty nghiên cứu phát triển vật chất mới, cảm biến và công nghệ nghệ mới.
Năm 2017, Trung Quốc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP chỉ 6,5%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm do tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và sản xuất cấp thấp đã đạt đến mức tới hạn.
Mặc dù có tới 43 doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị ít nhất 1 tỷ USD, theo 1 báo cáo của CB Insights, Trung Quốc vẫn có tham vọng nhiều hơn thế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, để trở thành động lực mới thúc đẩy tăng tăng trưởng. Và có những tín hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng không gian của quốc gia này với những đột phá công nghệ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đang có trên đà chậm lại.
Theo Alanna Krolikowsi, một nghiên cứu sinh tại Viện Trung Quốc Học của Đại Học Alberta được CNBC dẫn lời, tham vọng không gian của Trung Quốc là một phần trong tầm nhìn dài hạn và toàn diện về chuyển đổi kinh tế và xã hội. “Trung Quốc đang thật sự cần những động lực tăng trưởng mới, đến từ dịch vụ và sáng tạo.”
Với việc phát triển hệ thống vệ tinh BeiDou, tương tự GPS, và vệ tinh quan sát mặt đất Gaogen, Trung Quốc có thể có được những dữ liệu để sử dụng cho việc phát triển dịch vụ công nghệ cao. Ở Mỹ, những công ty như Planet Labs, Digital Globe, Spaceknơ và Orbital Insights đã phát triển những phương thức xử lý các hình ảnh vệ tinh thành những dự liệu có ý nghĩa và bán được cho nhiều công ty trên thế giới.