Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, đây được xem là chích sách quan trọng để hỗ trợ thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm cho phong trào khởi nghiệp.
Ông Đông cho rẳng điều quan trọng hơn tiền vốn đầu tư đó là thị trường và đầu ra của sản phẩm với với các startup mà thị trường mua sắm của Chính phủ là thị trường lớn nhất. Do đó, ông Đông kiến nghị, Nhà nước đã có chủ tương hỗ trợ khởi nghiệp thì cần có cơ chế ưu tiên để cho doanh nghiệp khởi nghiệp có thể bán sản phẩm được cho Nhà nước.
Chứ không phải cứ tổ chức mua sắm qua hình thức đấu thầu tràn lan như bây giờ, cứ ông nào chạy nhanh, ông nào chạy khỏe hơn sẽ thắng. Như vậy thì những doanh nghiệp khởi nghiệp khó có cơ hội chen chân nếu như không có cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý 1/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, con số cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Trước đó, năm 2016 ghi nhận con số kỷ lục doanh nghiệp thành lập mới: 110.100 doanh nghiệp, mức cao nhất từ trước đến nay, và cũng là lần đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm. Đó chính là kết quả của tinh thần Khởi nghiệp mạnh mẽ mà Chính phủ đã phát động kể từ đầu năm 2016.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, để đạt con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 không phải là khó, vào năm 2020 nước ta sẽ đạt tỷ lệ 93 người dân có 1 doanh nghiệp. Đối với các nước phát triển thì khoảng 9-13 công dân có 1 doanh nghiệp, với những nước nhỏ hơn thì khoảng 20 công dân có một doanh nghiệp. Do đó, đích đến của Việt Nam không chỉ dừng ở con số 1 triệu doanh nghiệp mà phải là 3 triệu, rồi 5 triệu doanh nghiệp cũng có thể khả thi.