Một nhóm các nhà khoa học thuộc Học viện Sahlgrenska và Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển đã cấy ghép thành công tế bào sụn của người vào chuột nhắt 6 tuần tuổi.
Các nhà nghiên cứu tạo ra một loại dung dịch gel gồm các tế bào sụn ở người rồi áp dụng công nghệ in sinh học qua một thiết bị có tên gọi CELLINK 3D và cấy vào bên trong cơ thể chuột thí nghiệm. Sau khi cấy, mô bắt đầu phát triển, sinh sôi nảy nở, cuối cùng các mạch máu hình thành, phân phối đi khắp cơ thể động vật được cấy ghép. Sau hai tháng, vật thể bắt đầu phát triển gần giống với sụn người và được kích thích thêm bằng việc bổ sung các tế bào gốc.
Nhóm nghiên cứu đã làm việc với các bác sĩ phẫu thuật tạo hình tại địa phương, sử dụng công nghệ này để cấy ghép tự nhiên cho những bệnh nhân bị mất tai, mũi hoặc đầu gối do tai nạn hay mắc các bệnh như ung thư chẳng hạn.
Giáo sư Paul Gatenholm, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu trên tờ báo TechCruch “ Hiện không có giải pháp nào cứu chữa cho các bệnh nhân bị mất tai. Chúng ta phải sử dụng công nghệ cấy ghép nhựa, silicon và được gắn bằng đinh vít chất liệu titanium. Quá trình phẫu thuật lấy sụn từ xương sườn của bệnh nhân rồi thực hiện tạo hình sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy rất đau và kết quả thường không khả quan. Nếu bạn sử dụng tế bào từ mũi được bổ sung tế bào gốc từ tủy xương hoặc chất béo thì chúng ta có thể in ra tế bào với cấu trúc 3D đầy đủ.”
Trong bài báo từ tháng Hai năm ngoái tại một cuộc thảo luận, Gatenholm nói rằng nhóm nghiên cứu, bao gồm Giáo sư ngành y học tái tạo Anthony Atala, đã mô tả chi tiết các họ sử dụng công nghệ in sinh học 3D để tái tạo xương và cơ, Họ đã sử dụng máy tính để biến mô hình này thành một chương trình điều khiển chuyển động của các tế bào về các vị trí riêng biệt. Mô hình 3D dưới dạng tệp CAD cũng sử dụng máy in để tạo ra các tế bào ứng dụng trong giải phẫu tốt hơn so với mô hình phẫu thuật tạo hình.
Gatenholm nói thêm “ Nó sẽ là một sự thay đổi lớn trong phương pháp tái tạo mô. Tôi nghĩ rằng cấy ghép da sẽ là sự đột phá đầu tiên, sau đó đến sụn và xương. Ngoài ra công nghệ này còn có thể sử dụng cho những bộ phận khác trên cơ thể người có cấu tạo phức tạp hơn.
Công nghệ này vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả về việc cấp giấy phép và thủ tục để ứng dụng trong phẫu thuật tái tạo thực tiễn nhưng nó đã dánh dấu một bước tiến đầy hứa hẹn trong việc cấy ghép tế bào sụn vào mô trên cơ thể con người.