Khi người ta nghĩ tới robot trong thời điểm hiện tại, người ta nghĩ ngay tới vấn nạn công nghệ tự động sẽ cướp đi việc làm của họ chứ ít ai nghĩ rằng những cỗ máy làm việc này cũng có cướp đi sinh mạng của con người. Mới đây, một vụ kiện tại Hoa Kỳ đã dấy liên những lo ngại về an toàn khi làm việc cùng robot.
Theo thông tin trên Quartz, tháng 7 năm 2015, Wanda Holbrook, một nhân viên bảo trì trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ thường ngày của mình tại nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô Ventra Ionia Main tại Michigan đã bị cỗ máy tự động thả một thiết bị vào đầu gây tử vong.
Ngày 7/3 này, chồng của nạn nhân anh William Holbrook đã đệ đơn lên tòa án liên bang Michigan, cáo buộc 5 công ty tham gia chế tạo và lắp ráp cỗ máy kể trên. Năm công ty đó gồm có Prodomax, Flex-N-Gate, FANUC, Nachi và Lincoln Electric.
Theo như đơn kiện, công việc của người phụ nữ xấu số này bao gồm việc giữ cho robot hoạt động được đúng quy trình. Theo định kỳ, cô kiểm tra và điều chỉnh quá trình hoạt động của chúng tại nhà máy Ventra. Vào cái ngày định mệnh ấy, khi Holbrook đang kiểm tra máy móc như thường lệ thì một trong những con robot lai cư xử rất bất thường
Khi Holbrook đang làm việc trong nhà máy thì một con robot đã được khởi động mà không có báo động trước.
Khu vực mà cô Holbrook làm việc được ngăn cách bởi một loạt cửa an toàn và đáng lẽ ra, con robot kể trên đã không thể di chuyển được. Vậy mà bằng một cách nào đó, nó đã tới được chỗ Holbrook, với ý định đặt một thiết bị to và nặng ngay tại ví trị mà cô Holbrook đang đứng.
Đơn kiện có viết: “Con robot từ khu 130 đáng lẽ không được đi vào khu 140, và đáng lẽ không thể đặt một thiết bị vào chỗ đã có sẵn một thiết bị như vậy được. Đã có lỗi xảy ra với hệ thống kiểm soát an toàn, gây ra cái chế của Wanda”.
Anh William Holbrook đưa ra yêu cầu đền bù một số tiền thiệt hại không xác định, nói thêm rằng trước khi cô Wanda Holbrook thiệt mạng, cô đã “phải chịu đựng một nỗi sợ khủng khiếp, bị shock cũng như nhận biết rằng mình chịu đựng đau đớn vô cùng”.
Anh cũng nêu tên ba công ty bị kiện – FANUC, Nachi và Lincoln Electric – có thêm hai tội trạng nữa liên quan tới bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và lỗ hổng trong bảo hành sản phẩm. Anh đưa ra lý lẽ rằng những con robot, những công cụ điều khiển và các thiết bị liên quan đã không được thiết kế và sản xuất một cách chuẩn mực, không được thử nghiệm kĩ càng và không thể được sử dụng.
“Trong bất cứ trường hợp nào, robot phải được thiết kế đảm bảo về mặt kĩ thuật và đề phòng thiệt hại và không tạo ra nguy cơ gây hại cho người khác”, gia đình anh Holbrook nói.
Theo như Ủy ban An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp OSHA thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ, robot là thiết bị “được sử dụng để làm những công việc không an toàn, độc hại, có tính lặp lại cao cũng như những công việc không thoải mái”.
Nhưng mặc dù vậy, Ủy ban vẫn nói thêm rằng “những nghiên cứu chỉ ra có rất nhiều tai nạn liên quan tới robot xảy ra ngoài thời gian vận hành, như những tai nạn về lập trình, bảo trì, thử nghiệm, lắp đặt, hay chỉnh sửa. Trong những khoảng thời gian này công nhân tiếp xúc với robot có thể nằm trong phạm vi hoạt động của robot, nơi có thể diễn ra những hoạt động ngoài ý muốn và có thể gây thương tích”.
Hiện tại, ta vẫn chưa có quy chuẩn an toàn cụ thể cho ngành liên quan tới robot. Năm 2014, OSHA đưa công bố con số 30 tai nạn gây tử vong có liên quan tới robot trong vòng 30 năm. Nhưng theo như tờ New York Times đưa tin, con số tử vong này có thể sẽ còn tăng cao nữa, khi mà rất nhiều ngành công nghiệp đang có những cỗ máy tự động làm việc một cách tự do bên cạnh con người.