Dù thành phố du lịch Đà Nẵng kiên quyết nói không với kiểu gọi xe công nghệ như Uber hay Grab vì lo ngài tắc đường thì các ứng dụng công nghệ này vẫn hoạt động bình thường trên địa bàn thành phố nhờ sự tiện lợi của nó.
Tại văn phòng đại diện của Grab đã được Sở Kế hoạch đầu tư Đà Nẵng cấp giấy phép cách đây 2 năm, lượng lái xe mới tới đăng ký ra vào tập nập. Đại diện phòng Marketing của Văn phòng đại diện Grab Đà Nẵng phủ nhận thông tin Grab kiện chính quyền Đà Nẵng. Vị này cho biết: Grab Việt Nam chỉ muốn đối thoại với chính quyền Đà Nẵng để tìm tiếng nói chung. Việc GrabCar quảng cáo là hoàn toàn bình thường vì luật không cấm.
Nếu báo chí không lên tiếng về văn bản đề nghị cấm các loại hình giao thông chia sẻ của Ban ATGT TP Đà Nẵng vừa thì không ai có thể biết một lệnh cấm như vậy đang tồn tại.
Trước đó, cuối tháng 2, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, Phó trưởng Ban ATGT TP Đà Nẵng vừa có công văn gửi các ngành chức năng yêu cầu triển khai các biện pháp ngăn chặn lloại hình vận tải hành khách bằng ô tô dùng ứng dụng phần mềm Grab và Uber hoạt động trên địa bàn thành phố, đề nghị Sở TT - TT, Công an TP Đà Nẵng cùng các cơ quan chức năng thực hiện ngăn chặn việc truy cập phần mềm ứng dụng GrabCar.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết: Sở TT-TT sẽ tham mưu cho UBND TP xử lý việc này. Vì liên quan đến mặt kỹ thuật và công nghệ cũng như pháp lý, Sở sẽ cân nhắc kỹ trước khi đề xuất ngăn chặn theo đề nghị từ ban ATGT thành phố.
Ông Lữ Bằng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng, cho rằng việc ngăn cản GrabCar hoạt động là không phù hợp. “Trong xã hội phát triển nhiều loại hình kinh doanh vận tải khác nhau thì người dân sẽ được hưởng lợi. Việc cấm cản loại hình nói trên là hoàn toàn sai, gây bất lợi và làm thiệt hại quyền lợi của người dân” - ông Bằng nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Minh Ngọc, du khách tại Đà Nẵng cho phóng viên Geektime.vn biết “tôi chẳng quan tâm tới lệnh cấm, cứ cái gì rẻ, tiện thì tôi đi.”