Dù nhiệt độ trên bề mặt của sao Kim có thể đạt đến 462 độ C và rất khó tồn tại sự sống nhưng một nhóm các nhà khoa học của NASA vẫn nghi ngờ các vi sinh vật vẫn đang lẩn khuất trong các đám mây ở hành tinh này.
Theo trang Science World Report, những đám mây dày chứa đầy a-xit sunfuric trên sao Kim thi thoảng xuất hiện vệt đen mà nguyên nhân ban đầu có thể là do hấp thụ bức xạ cực tím. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng: những vệt tối thực sự xuất hiện chứng tỏ có sự tồn tại sự sống của vi sinh vật.
Theo các chuyên gia, vi khuẩn tiềm năng có thể bọc mình trong một phân tử được gọi là S8 trong những đám mây và chống lại những tác động ăn mòn của axit sulfuric và cũng hấp thụ bức xạ cực tím.
Sanjay Limaye, nhà khoa học khí quyển của trường Đại học Wisconsin, Madison và từng là Chủ tịch của Nhóm phân tích Thăm dò sao Kim của NASA (VEXAG) nhận định dù không thể khẳng định rằng, có vi sinh vật sống trong các đám mây của sao Kim hay không nhưng cũng không có nghĩa là nó không có ở đó.Ông nhấn mạnh “không thể loại trừ bất cứ khả năng nào và cho rằng cách duy nhất để xác định là lên sao Kim và lấy mẫu không khí để thử”.
NASA đang đàm phán với Nga về nhiệm vụ của Tàu vũ trụ thăm dò sao Kim Venera-D, nó sẽ thực hiện cuộc thăm dò đầu tiên vào năm 2020 nhằm phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của sự sống.
NASA đã đồng ý thực hiện một nghiên cứu kéo dài 1 năm và tiến hành một số cuộc họp trong năm tiếp theo để đào sâu hơn về vấn đề này.