Theo thống kê, cứ 10 người trên thế giới thì lại có 1 người không có nước sạch để dùng không chỉ ở các nước nghèo mà cả những nước phát triển. Mối lo ngại về nguồn nước sạch đang là vấn đề nóng hơn bao giờ hết trên toàn thế giới.
Theo Popular Mechanic, một kỹ sư Chile có tên là Hector Pino đã phát triển thành công một thiết bị giúp con người có thể có nước sạch nhờ hệ thống lấy từ không khí xung quanh. Theo trang Bloomberg, kỹ sư này chế tạo chiếc máy đầu tiên là để giúp con gái ông hết bệnh nhờ tiếp cận được với nước sạch.
Chiếc máy FreshWater hoạt động dựa trên nguồn điện xoay chiều, hoặc pin của chính nó và nhờ năng lượng đến từ pin mặt trời. Nó thu nạp nước bốc hơi trong không khí rồi tạo mây, làm mưa rồi sản xuất nước sạch, giống hệt vòng tuần hoàn tự nhiên của nước.
Pino đã thành lập công ty khởi nghiệp với tên gọi FreshAir chuyên cung cấp thiết bị cấp nước đặc biệt này trên nhiều vùng tại Chile. Ví dụ, San Pedro de Atacama, một vùng nông thôn miền núi ở phía Tây Bắc Chile, một chiếc máy FreshWater có thể sản xuất ra gần 10 lít nước sạch trong một ngày.
Dù đây là một con số không quá ấn tượng, tuy nhiên nếu như công nghệ này tiếp tục được phát triển, thì nó sẽ còn cho ra nhiều nước sạch hơn nữa, làm giảm thiểu nỗi lo thiếu nguồn nước an toàn ở vùng thiểu số.
Máy làm mưa này có giá khoảng 1.600 USD (tương đương 35,2 triệu đồng). Pino đang lên kế hoạch phát triển một phiên bản nhỏ hơn, tiện lợi hơn khi mang vác trên đường dài hay đi du lịch. Nếu như FreshWater có thể bớt cồng kềnh hơn, giá thành dừng lại ở mức phải chăng, hợp lý hơn và tiếp tục vận hành đúng như những gì Pino đã làm được, nó có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất nước sạch trên toàn thế giới.