Các thiết bị điện tử cũ, hỏng được người lao động địa phương tháo rời và lấy đi những bộ phận có giá trị như bảng mạch, con chip nhằm bán cho các nhà sản xuất phần cứng tái sử dụng, tiêu biểu là Foxconn. Phần còn lại được xử lý như rác thải thông thường.
Vì vậy, hệ sinh thái xung quanh các khu vực này trở nên ô nhiễm trầm trọng bởi các chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, arsenic. Chúng gây ra những chứng bệnh khó chữa như ung thư, suy thận. Người dân trong vùng thậm chí không dám sử dụng nguồn nước hay lương thực, thực phẩm do lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiến sĩ Ruediger Kuehr thuộc Đại học Liên Hiệp Quốc, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho rằng: “các quốc gia cần phải nhận thức đầy đủ về vấn đề này không chỉ từ khía cạnh bảo vệ môi trường mà còn trên góc độ kinh tế. Bằng việc bỏ qua công đoạn tái chế thiết bị điện tử, các nước đang để vuột mất một nguồn lực cần thiết cho việc duy trì dây chuyền sản xuất trong tương lai”.
Theo công bố của nhóm bảo vệ môi trường Basel Action Network, tuy các nước đều cố gắng tự mình xử lý hoặc tái chế đồ phế thải, song bằng cách nào đó, rác công nghệ từ các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản vẫn xuất hiện sau cùng tại các bãi chôn lấp ở các nước như Đài Loan, Trung Quốc hay Thái Lan.
Kuehr chia sẻ: “Các nhà cầm quyền cần đưa thực trạng trên vào các chương trình nghị sự để cùng đưa ra các chính sách phù hợp. Nguồn vốn vững chắc kết hợp với hệ thống thu gom toàn diện và không thể thiếu sự hợp tác quốc tế là công thức tối ưu cho Châu Á trong thời điểm này”.