Khoa học

Anh cho phép phương pháp IVF “ba bố mẹ”

Nếu hồi tháng 9, một bé trai 5 tháng tuổi đã được tạo ra với phương pháp “3 cha mẹ”, có gene di truyền từ 3 ngườí còn gây tranh cãi tại Hoa Kỳ, ngày 15/12 vừa qua, Cơ quan kiểm soát thụ tinh và phôi (HFEA) của nước Anh đã công bố quyết định cho phép áp dụng phương pháp điều trị đặc biệt này.

Theo giới chức y học Anh, phương pháp chuyển đổi ti thể để tạo ra em bé từ ba bố mẹ, một quyết định đã được mong đợi trong một thời gian dài này, sẽ giúp ngăn ngừa những bệnh di truyền mà không thể chữa khỏi.

IVF “ba bố mẹ” là gì?Phương pháp có tên gọi là IVF “ba bố mẹ” bởi vì em bé được sinh ra từ phôi đã được biến đổi gene như vậy sẽ có ADN từ mẹ ruột, cha ruột và một người hiến tặng là nữ.  Kỹ thuật này cho phép can thiệp trong quá trình thụ tinh để tách bỏ ti thể mang bệnh của người mẹ và sử dụng ti thể lành mạnh của người hiến tặng.

Ti thể được coi là trung tâm sản xuất năng lượng nhỏ xíu trong tế bào và ti thể bị lỗi có thể gây ra những căn bệnh nan y về tim gan, rối loạn não bộ, mù và loạn dưỡng cơ.Có hai chu trình khác nhau để có thể tạo ra em bé từ ba bố mẹ. Mỗi chu trình được tóm lược bằng 3 bước như sau:

Phương thức 1: Can thiệp phôi

Phương thức 1: Can thiệp phôi.

Bước 1: Trứng của mẹ ruột và trứng của người hiến tặng được thụ tinh, tạo thành hai phôi.

Bước 2: Tách tiền nhân có chứa gene di truyền khỏi cả hai phôi nhưng chỉ giữ lại tiền phôi được tạo từ bố mẹ ruột.

Bước 3: Tạo ra phôi khỏe mạnh bằng cách đưa tiền nhân của phôi được tạo từ bố mẹ ruột vào phôi của người hiến tặng, sau đó phôi khỏe mạnh này sẽ được cấy vào tử cung.

Phương thức 2: Can thiệp trứng

Bước 1: Lấy trứng của mẹ ruột với các ty thể mang bệnh và trứng của người hiến tặng với các ty thể khỏe mạnh.

Bước 2: Tách nhân khỏi cả hai trứng.

Bước 3: Đưa nhân lấy từ trứng của mẹ ruột vào trứng của người hiến tặng. Trứng được tạo thành từ bước này có nhân từ trứng của mẹ ruột và các ty thể khỏe mạnh từ trứng của người hiến tặng. Sau đó, trứng được thụ tinh và cấy vào tử cung.

 

 

Phương thức 2: Can thiệp trứng

Nhiều ý kiến tranh cãi

Ông Mark Walport - Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh đã ca ngợi quyết định của HFEA là sự đánh giá “cẩn trọng và đầy cân nhắc” nhằm đưa nước Anh vào vị thế quốc gia dẫn đầu về tiến bộ y học.

Cũng là một trong nhiều chuyên gia ủng hộ quyết định này, GS. Dagan Wells từ Trung tâm nghiên cứu y sinh của Đại học Oxford danh tiếng cũng nhận định: “Hiến tặng ti thể đem lại cơ hội thực sự để chữa khỏi những loại bệnh di truyền nghiêm trọng và đem lại hy vọng cho hàng trăm gia đình ở Anh”.

Ngược lại, quyết định này cũng phải đối mặt với sự phản đối không nhỏ. Tổ chức vận động Human Genetics Alert cho rằng quyết định này của HFEA sẽ cho phép áp dụng “loại công nghệ nguy hiểm và không cần thiết về mặt y học” và “mở đường cho một thế giới đầy “những em bé được thiết kế” trên cơ sở biến đổi gene”.

Thậm chí cậu bé người Mỹ duy nhất được thụ tinh bằng phương pháp 3 bố mẹ vào năm ngoái đã phải chào đời đầu tại một phòng khám tại Mexico vì chính phủ Hoa Kỳ không cho phép việc thụ tinh này.

Bác sĩ John Zhang và cậu bé ra đời bằng phương pháp 3 bố mẹ.

Cậu bé là con của một gia đình người Jordan sống tại Hoa Kỳ và người mẹ mắc chứng Leigh, một bệnh thần kinh hiểm nghèo lây theo đường di truyền. Tuy người mẹ vẫn khoẻ mạnh, 1/4 ty thể của cô có chứa gene di truyền mắc chứng Leigh, và sau 20 năm cố gắng sinh con, cô sinh được 2 bé nhưng đều đã chết vì căn bệnh hiểm nghèo trên.

Gia đình này đã nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ John Zhang tại trung tâm sinh sản New Hope tại New York.  Sau nhiều tháng chào đời em bé  đang phát triển bình thường. Hiện tại, dưới 1% ty thể của bé có DNA mắc chứng biến dị Leigh và điều này không làm ảnh hưởng gì tới sự phát triển của bé.

Trước đó, bác sĩ Zhang đã trả lời báo chí, vấn đề đạo đức của phương pháp này chính là cứu con người thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác cho biết cần theo dõi gắt gao việc phát triển của em bé để xem xét lợi ích cũng như nguy cơ mà việc biến đổi gene có thể mang lại.

 

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Chuyển đến thanh công cụ