Khoa học

Lí do virus thích giết đàn ông hơn

Nguồn ảnh sưu tầm

Một trong những bí ẩn tồn tại lâu nhất trong lịch sử y học đó là khi virus và vi khuẩn tấn công con người, đàn ông luôn đối mặt với nguy cơ tử vong nhiều hơn phụ nữ. Mới đây, khi tìm ra lý do,  người ta hoàn toàn kinh ngạc trước “trí tuệ” những kẻ tấn công nhỏ bé này.

Tiến sĩ Francisco Úbeda, Đại học Hoàng gia Holloway, Anh cho trang Science Alert  biết virus đang tiến hóa để ít nguy hiểm hơn với phụ nữ, điều này có thể tốt với phụ nữ  nhưng thực sự lại không phải thế. Ông cho biết virus không tấn công phụ nữ ngay mà chúng lợi dụng họ để lây truyền từ mẹ sang con, khi đứa trẻ được sinh ra hoặc trong quá trình cho con bú.Về cơ bản, ốm là dấu hiệu rõ ràng nhất của việc chúng ta đang bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Nhưng mục tiêu chính của mầm bệnh lại không phải là gây bệnh. Chúng chỉ muốn sinh sôi nảy nở và lây lan từ vật chủ này sang vật chủ khác.Nói hẳn ra bệnh tật chỉ là tác dụng phụ không mong muốn của quá trình lây nhiễm của virus và chúng không hề muốn dồn con người đến cái chết vì nếu vật chủ không còn tồn tại, chúng cũng sẽ chết, Giáo sư Vincent Jansen, thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia Holloway cho biết.

Nếu bạn đặt bản thân mình vào vị trí virus hoặc vi khuẩn, bạn sẽ lựa chọn lây nhiễm vào phụ nữ vì sẽ có 2 cơ hội lây nhiễm tiếp theo, hoặc là từ người sang người qua các cơ chế thông thường, hoặc là từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Còn nếu lây nhiễm ở nam giới, mầm bệnh sẽ chỉ có 1 cơ hội. Những người đàn ông thì không mang thai, sinh con và cho con bú.

Mà virus và vi khuẩn muốn lây lan sang cả những đứa trẻ, bởi vậy, chúng luôn cho phụ nữ cơ hội sống sót cao hơn.

Khi nghiên cứu về sự lây nhiễm, đa số các nhà khoa học nghĩ rằng kết quả đó gây ra bởi sự khác biệt giữa hệ miễn dịch ở nam và nữ giới. Họ đã không thể ý đến chiến lược của mầm bệnh, trong khi tiến sĩ Úbeda cho biết nhóm của ông lại đặt mình vào vị trí mầm bệnh để tìm hiểu xem liệu chọn lọc tự nhiên sẽ ủng hộ hành vi gây bệnh nào của virus, với từng trường hợp giới tính khác nhau mà chúng lây nhiễm.

Giáo sư Jansen nói rằng không khó  để nhận biết những tín hiệu hóa học và môi trường nội tiết tố khác biệt ở nam và nữ  nên ông tin rằng virus cũng có thể nhận biết được điều này. Hiện tại nhóm sẽ thực hiện thêm các nghiên cứu tiếp theo để đưa ra bằng chứng cho việc đó.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mô hình toán học, mô phỏng quá trình mầm bệnh lây truyền giữa nam giới và phụ nữ, rồi sử dụng mô hình đó để tìm ra đâu là chiến lược tốt nhất với một loài virus. Chủng virus mà họ tập trung vào là HTLV-1 (Human T-cell lymphotropic virus type 1), được tìm thấy ở Nhật Bản, vùng Caribbean và Tây Phi.

Kết quả cho thấy trong số liệu ở Nhật Bản, HTLV-1 đã gây bệnh bạch cầu chết người ở nam giới gấp 3 lần nữ giới. Thế nhưng ở khu vực Caribbean, virus lại có khả năng gây bệnh tương đương ở cả nam và nữ.

“Đó có thể là do tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản cho con bú cao hơn và kéo dài hơn so với phụ nữ vùng Caribbean”, Tiến sĩ Úbeda nói. “Điều này tạo điều kiện cho mầm bệnh có cơ hội để lây nhiễm vào đứa trẻ”.

Chẳng hạn như virus Epstein-Barr, khi lây nhiễm trên nam giới, sẽ có gấp đôi khả năng gây u lympho Hodgkin. Tương tự, thủy đậu cũng thường nghiêm trọng hơn ở nam giới so với phụ nữ. Để ý kĩ thì cả hai bệnh này đều có thể lây truyền từ mẹ sang con.

Nhóm nghiên cứu cho biết, với nghiên cứu này, các nhà khoa học sẽ có thể chữa trị tốt hơn cho những người đàn ông mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách thử làm cho virus nghĩ chúng đang ở trong một cơ thể phụ nữ, chứ không phải nam giới. Do đó, chúng sẽ hành xử theo một cách khác, Giáo sư Jansen nói.

Bằng cách đánh lừa các mầm bệnh, ông và nhóm nghiên cứu tin rằng họ có thể hạ độc tính của chúng xuống theo cơ chế tự nhiên. Điều này sẽ giúp giảm sự nguy hiểm của các căn bệnh truyền nhiễm, khi chúng lây lan trên những người đàn ông.

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Chuyển đến thanh công cụ