Khoa học

Chất béo là nguyên nhân khiến ung thư di căn

Những tế bào ung thư cần hấp thụ chất béo liên tục để có đủ năng lượng. — Nguồn ảnh ScienceAlert

Một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu ung thư hàng đầu đã phát hiện ra rằng các tế bào phát triển lây lan của bệnh ung thư có một điểm yếu lớn: chúng cần chất béo để cung cấp năng lượng cho quá trình phát triển và di căn.

Theo trang ScienceAlert, nhà nghiên cứu Salvador Aznar Benitah của Viện Nghiên cứu Y Sinh trực thuộc Viện Khoa học Công nghệ Barcelona, Tây Ban Nha và nhóm của ông đã tìm ra điều này và đăg tải trên tạp chí Nature số 9/12.

Theo báo cáo này khi ngăn chặn các tế bào ung thư hấp thụ chất béo, họ đã thực sự đã ngăn được quá trình di căn ở những con chuột nhiễm tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học hy vọng kết quả nghiên cứu này có thể phát huy tác dụng tương tự trên người.

Di căn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bệnh có liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Nhưng cho đến hiện nay người ta vẫn chưa  tìm ra nguyên nhân và cách các tế bào ung thư lấy được nguồn năng lượng rồi lan sâu bên trong các mạch máu và bắt rễ sinh sôi nảy nở ra các nơi khác trong cơ thể.

Trước đó, nhiều nghiên cứu cho rằng đường chính là nguồn nhiên liệu chính cung cấp cho các tế bào ung thư nhưng ở nghiên cứu mới nhất này cá nhà khoa học phát hiện chính chất béo là nguyên nhân thúc đẩy sự  lây lan của căn bệnh này qua nghiên cứu sự lây lan của bệnh ung thư vòm họng ở chuột.

Ung thư phát triển thế nào?
Trong khi khối u phát triển, một hoặc nhiều tế bào ung thư có khả năng tách ra, di chuyển đến vị trí mới cách xa khối u cũ và phát triển thành một ổ mới gọi là ổ di căn hay vị trí di căn. Còn vị trí hình thành bệnh được các bác sĩ gọi là u nguyên phát.

Bên cạnh đó, tế bào ung thư còn đi vào trong mạch máu, tự trôi theo dòng máu, mắc lại ở một nơi nào đó (thường là các mạch máu nhỏ) và sinh sôi, tăng trưởng ở đó. Phổi và gan là những nơi có mạch máu dày đặc nên tế bào ung thư hay mắc và trở thành bộ phận hay bị di căn nhất. Trên đường đi tới những bộ phận khác nhau trong cơ thể, có nhiều tế bào bị chết dọc đường vì vậy để tạo ổ di căn mới cần có rất nhiều tế bào tách ra khỏi khối u.

Ngoài ra, tế bào ung thư còn đi theo con đường thứ hai là bạch huyết. Đây là một mạng lưới gồm các ống chia nhánh giống như mạch máu, tỏa khắp cơ thể, gọi là bạch mạch là loại dịch gần như trong suốt lưu thông ở trong, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Dọc đường đi của bạch mạch có các bạc huyết nhỏ hình hạt đậu. Tế bào ung thư sau khi thoát khỏi u nguyên phát có thể xâm nhập vào mạng lưới bạch mạch rồi mắc ở lại các bạch huyết.

Ung thư còn có thể di căn theo các lối ít bị cản trở vào các hốc, ống trong cơ thể. Ví dụ, ung thư dạ dày sau khi xâm lấn qua thành dạ dày, các tế bào có thể bong ra, rơi vào ổ bụng gây ra di căn ở buồng trứng.

Và trên thực tế là ung thư cũng có thể di căn do kỹ thuật mổ không đúng. Một con dao mổ cắt ngang qua khối u, dính đầy tế bào ung thư nếu để chạm vào các mô lành sẽ cấy tế bào ung thư vào các mô đó.

Theo các nhà khoa học, rất nhiều tế bào ung thư trong quá trình di căn đã tiết ra một lượng lớn protein thụ thể có tên gọi là CD36, có chức năng giúp tế bào ung thư hấp thụ chất béo. Các nhà khoa học quyết định ngăn chặn sự tạo thành các thụ thể CD36 để theo dõi sự phát triển của tế bào ung thư.

Và thật đáng kinh ngạc, khi CD36 bị ngăn chặn, các khối u ở chuột cũng đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa và không thể di căn. Tất nhiên, dù điều này không chữa trị dứt điểm khối u nhưng cũng đã khiến cho nó không thể phát triển và di chuyển đến những bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sẽ được tăng thêm.

Ở những con chuột trong phòng thí nghiệm, việc ngăn chặn thụ thể CD36 kết hợp cùng với việc điều trị bằng kháng thể giúp tiêu diệt 15% kích thước của khối u. Phần còn lại của khối u đã từ từ thu nhỏ lại ít nhất là 80%.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những con chuột được cho ăn chế độ giàu chất béo có nhiều khối u trong hạch bạch huyết hơn hẳn và kích thước của những khối u này cũng to hơn những con chuột có chế độ ăn bình thường.

Tuy nhiên các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị rằng họ mới chỉ thử nghiệm trên chuột và không khuyến khích bệnh nhân ung thư cắt giảm hết lượng chất béo nạp vào cơ thể, ít nhất là trong 5 năm cho đến khi họ thí nghiệm trên người thật.

Dẫu sao, theo ông Salvador Aznar Benitah,  tìm ra một cách có thể ngăn chặn sự di căn phát triển từ khối u nguyên phát đã là điều tuyệt diệu mà con người luôn mong mỏi rồi.

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Skip to toolbar