Nhằm giảm các tai nạn liên quan đến những người nghiện smartphone tại quốc gia yêu công nghệ, các nhà nghiên cứu tại Singapore vừa giới thiệu chiếc scooter di động tự vận hành, chở được 1 người đi dọc theo các các lối đi bộ.
Theo hãng tin Reuters, mẫu xe nói trên cũng chỉ có 1 chỗ ngồi duy nhất, nặng 50 kg và di chuyển với tốc độ tối đa 6 km một giờ với đầy đủ cảm biến giúp điều hướng tránh các vật cản, chướng ngại vật trên đường.
Đây là xe scooter được Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phát triển và là phương tiện tự lái mới nhất được thử nghiệm tại nước này. Trước đó, taxi và xe bus tự lái đã được quốc đảo sư tử này chạy thử. Singapore là quốc gia có diện tích nhỏ với số lượng người trong độ tuổi lao động không nhiều. Bởi vậy, họ muốn áp dụng các công nghệ tự động nhằm giải quyết 2 hạn chế này.
Scooter đã trải qua các bài thử nghiệm thành công trong khu khuôn viên của trường đại học. Theo các lập trình viên, nó sẽ có ích cho tất cả mọi đối tượng người dân, giảm thiểu nhu cầu xe hơi cũng như giảm tỷ lệ tai nạn xảy ra.
Giám đốc dự án Marcelo Ang Jr chia sẻ: “Nhiều người đeo tai nghe khi đi bộ và quá tập trung tới nỗi đâm sầm vào người khác trên đường. Chiếc scooter tự lái này chính là giải pháp giúp họ có thể thoải mái vừa di chuyển vừa check được mail mà không có vấn đề gì. Chúng tôi đã cung cấp cho người đi bộ thêm một lựa chọn.”
Ang Jr cũng cho biết scooter có thể hoạt động song song với các phương tiện tự lái khác ở Singapore và là sự lựa chọn lý tưởng để di chuyển trên các con đường hẹp mà phương tiện cỡ lớn không thể đi vào được.
Ở giai đoạn hiện tại, chiếc xe này vẫn mất vài giây để điều hướng khi gặp chướng ngại vật, tuy nhiên, Ang Jr nói rằng đội phát triển đang tìm cách cải tiến để khắc phục nhược điểm này. Chưa biết kết quả cuối cùng sẽ ra sao nhưng có lẽ người dùng sẽ không quá quan tâm tới “khoảng thời gian trễ” ít ỏi đó.
Sinh viên Kevin Xiangyu Hui, người đi thử chiếc scooter cho biết: “xe đi thực sự mượt mà và di chuyển rất an toàn”.
Dự án xe scooter lần này là kết quả hợp tác giữa Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Liên minh Nghiên cứu và phát triển Singapore-MIT (SMART), và Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Sản phẩm vẫn cần tiếp tục được thử nghiệm nhiều hơn nữa. Hiện tại nó chưa được bán ra thị trường.