Nhận xét

Ảnh nude làm đồ thế chấp, scandal mới nhất của ngành cho vay ngang hàng (P2P) tại Trung Quốc

Các mánh lới cho vay cực đoan đang đe dọa ngành cho vay ngang hàng (P2P) tại Trung Quốc, tuy nhiên, tình trạng tín dụng ngặt nghèo đang khiến cho hiện tượng này lan rộng

Hình chụp màn hình các cảnh cáo đòi nợ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc phản ánh rằng tình trạng này đang lan rộng. Nguồn: Weibo

Và bạn nghĩ là không có cái gì biện hộ được cho hành động kiểu này. Nhà cho vay ngang hàng Jiedaibao của Trung Quốc đang gặp sóng gió sau khi một câu chuyện được tung ra, theo đó, một số những người cho vay trên trang này bị cáo buộc đã yêu cầu những người đi vay là nữ giới cung cấp ảnh khỏa thân như một hình thức thế chấp, và ảnh sẽ bị đăng lên internet nếu không trả được nợ.
Báo cáo này đã được đăng bởi tờ Southern Metropolis Daily (tiếng Quan Thoại) vào thứ Hai, và câu chuyện cũng đang xuất hiện trên các nguồn tiếng Anh từ trang fintechist.com cho tới Quartz.

Những người đi vay thường là sinh viên đại học và các khoản vay thường đi kèm với mức lãi suất cắt cổ, đôi khi lên tới 30 phần trăm. Các báo cáo khác nhau cho biết, chủ nợ sẽ đăng ảnh lên Internet hoặc gửi cho cha mẹ của con nợ.
Bản báo cáo trích trường hợp của một sinh viên với tên gọi đã được thay đổi là Li Li, cô đã vay 500 nhân dân tệ (khoảng 75 USD) ở mức lãi suất cắt cổ là 30% một tuần. Khoản vay đã nhân lên với tốc độ chóng mặt. Cô sinh viên đã yêu cầu được vay một khoản mới ở cùng mức lãi suất để trang trải cho khoản vay đầu tiên (và cả khoản lãi của nó). Sau khi không thanh toán được, chủ nợ đã yêu cầu ảnh khỏa thân làm vật thế chấp và sau đó gửi tới cha mẹ của cô gái khi cô không thanh toán nổi khoản nợ đã lên tới 55,000 nhân dân tệ.
Rất dễ để tìm thấy các chủ cho vay cung cấp những khoản vay kiểu này trên mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, QQ và WeChat.

“Hầu hết các trang cho vay đều có rất nhiều những người đàn ông trung niên ở các thành phố khác nhau, họ dụ sinh viên vay tiền,” Fu Jian, làm việc cho Yulong Law tại Zhengzhou nói với Sixth Tone. Fu cho biết đã giúp rất nhiều sinh viên giải quyết các trường hợp với những chủ nợ muốn trục lợi. “Rất đáng buồn là sinh viên chỉ là những con mồi.”

Xu hướng mới nhất này dường như cũng chỉ là một lời cảnh báo khác đối với ngành cho vay ngang hàng của Đại Lục. Cảnh sát Trung Quốc đã đóng cửa Ezubao vào tháng Hai vừa rồi và bắt giữ 21 nhân viên của hãng sau khi buộc tội họ về việc thực hiện vụ lừa kiểu Ponzi để chiếm đoạt khoảng 7,6 tỷ USD từ khoảng 900,000 người dùng, thông qua các dự án được niêm yết trên trang, mà theo cảnh sát, tới hơn 95% trong số đó là không có thực. Một nhà cho vay ngang hàng khác, với cái tên sặc mùi câu khách, Easy Richness, cũng đang bị điều tra về việc tiến hành lừa đảo kiểu Ponzi. Trang này đã huy động được tới 1.6 tỷ USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Năm ngoái, hãng cho vay ngang hàng Dada Group cũng rơi vào tay cảnh sát vì những hoạt động sai phạm.

Ở các nước khác, hoạt động cho vay ngang hàng cũng đang phải đối mặt với việc bị xem xét kỹ lưỡng, mặc dù không tới mức như ở Trung Quốc. Lending Club đặt tại San Francisco đang phải chống chọi lại những thông tin tiêu cực trên báo chí về các cáo buộc sai phạm của nhà sáng lập và cựu CEO Renaud Laplanche. Tương tự như vậy, rất nhiều các công ty fintech (tạm dịch: công nghệ tài chính) và cho vay qua các trang mạng xã hội đang bị nhiều người nghi ngờ là lừa đảo.

Nhấn vào đây để bình luận

Trả lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐỌC NHIỀU

Lên trên
Chuyển đến thanh công cụ